(Baonghean)- Hàng năm, cứ vào dịp giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, giai đoạn chuyển mùa,bệnh nhi nhập viện luôn đạt con số kỉ lục trong năm. Năm nay, chỉ tính riêng từ ngày 10 đến ngày 14-4, Bệnh viện Nhi Nghệ An tiếp nhận gần 1.700 bệnh nhi đến khám.
Trong số trẻ được đưa đến khám, có 250 trường hợp phải nhập viện điều trị, chủ yếu là trẻ em mắc các bệnh dịch sốt vi rút, phát ban dạng sởi, Rubella, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…Với tổng số 270 giường bệnh, bệnh viện đã phải linh động để tiếp nhận 370 bệnh nhân. Có nhiều trường hợp các cháu phải nằm chung, đấy là chưa kể mỗi cháu bé còn có thêm 1-3 người lớn đi kèm để chăm sóc. Vậy nên hình ảnh dễ gặp tại viện là các hành lang đông chật, với nhiều giường bệnh được kê thêm, cảnh người lớn chen chúc chờ đợi, lo lắng, tiếng dỗ dành xen lẫn tiếng trẻ khóc ngằn ngặt…
Tìm hiểu ở Khoa Truyền nhiễm - một khoa có bệnh nhi nằm đông nhất trong dịp này- chúng tôi được bác sỹ trưởng khoa Nguyễn Văn Sơn cho hay: Ngày đông nhất, khoa của anh tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhân tới khám và điều trị. Các anh đã phải kê thêm 4 giường bệnh ở hành lang (khoa có 30 giường bệnh) mà bệnh nhân vẫn phải nằm ghép.
Bệnh nhân chủ yếu mắc bệnh sốt cao, co giật, viêm đường hô hấp, sốt phát ban và xuất hiện một vài ca nguy hiểm bị viêm não do biến chứng từ bệnh Rubella, viêm não do vi rút. Dịp này, một số dịch bệnh cũng bùng phát như thủy đậu, quai bị, sởi…với lượng bệnh nhi mắc bệnh đông và nặng. Bệnh viện cũng nhận khá nhiều trường hợp các bệnh nhân ở Hà Tĩnh (những xã lân cận với thành phố Vinh) và thậm chí ở cả nước bạn Lào.
Để “ đối phó” với lượng bệnh nhân đông, khi bắt đầu có diễn biến chuyển mùa, khoa Truyền nhiễm nói riêng và Bệnh viện Nhi nói chung, ngoài việc kê thêm giường bệnh đã tăng cường về thuốc men, trang thiết bị, điều động nhân lực phù hợp giữa các khoa, phòng, bộ phận, tăng cường nhân lực trực trong những ngày lễ, ngày nghỉ…
Cũng theo bác sỹ Sơn, vào giai đoạn chuyển mùa, khi nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát thì việc cần thiết nhất là giữ vệ sinh cho trẻ, hạn chế tiếp xúc, khi đi đường phải đeo khẩu trang, thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho các cháu. Đặc biệt lưu ý nhữngtrẻ bị sốt cao, co giật rất dễ bị lặp lại; khi trẻ sốt không được chủ quan tự ý điều trị tại nhà mà phải được khám bởi cán bộ y tế.
Thực tế ở Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân đến muộn, sau khi đã có biến chứng hoặc bệnh đã chuyển nặng như trường hợp của cháu Lê Thùy Trang (10 tháng tuổi) quê Nghi Xuân, Nghi Lộc nhập việnngày 13-4 trong tình trạng co giật liên tục, toàn thân tím tái do biến chứng viêm não. Bên cạnh đó, một việc cũng hết sức quan trọng là đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các cháu.