(Baonghean) - Xây dựng Làng Văn hoá sức khoẻ là chương trình phối hợp hành động lớn, trong đó ngành Y tế giữ vai trò chủ đạo. Ở Nghệ An, qua hai năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình lồng ghép với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, nhất là cộng đồng dân cư nông thôn…
 
Từ năm  2009, Nghệ An đã xây dựng thành công mô hình điểm “Làng văn hoá sức khoẻ” tại 2 xã Hưng Xá và Hưng Tiến (huyện Hưng Nguyên). Năm 2010, được sự hỗ trợ và chỉ đạo của Cục Quản lý môi trường Y Tế (Bộ Y tế), Sở Y Tế Nghệ An đã triển khai các hoạt động xây dựng  thêm mô hình điểm tại 2 xã Chi Khê, Bồng Khê (huyện Con Cuông) và 2 xã Thịnh Sơn, Lưu Sơn (huyện Đô Lương). Với mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể chất của nhân dân địa phương đi đôi với việc cải thiện môi trường sống, phòng chống dịch bệnh trong các khu dân cư, phong trào bước đầu đã thu hút được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như người dân.

764712_small_62049.jpg
 Khám sức khỏe định kỳ cho bà con ở xã Chi Khê (huyện Con Cuông).

Công tác truyền thông về phong trào được đẩy mạnh với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với thực tế từng địa phương. Tại các xã điểm, người dân địa phương đã quan tâm đến vấn đề cải thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế bệnh dịch nguy hiểm lây lan, xây dựng được mô hình sức khỏe cho mọi nhà. Thói quen vứt rác bừa bãi được hạn chế, việc xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh, nhà tắm, sử dụng nước sạch cho sinh hoạt ở một bộ phận cư dân nông thôn trong các xã chỉ đạo điểm đang được cải thiện.

Điển hình như ở 2 xã điểm thuộc huyện miền núi Con Cuông, trình độ dân trí không đều cộng thêm tập quán sinh hoạt lâu đời của người dân nên khi mới bắt đầu công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cam kết thực hiện các tiêu chí trong phong trào gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của Ban chỉ đạo phong trào các cấp, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên, đến nay, phong trào đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Đồng bào đã biết làm nhà tắm có vách che, biết sử dụng hố tiêu hợp vệ sinh, biết xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở…

Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân được quan tâm. Người bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời. Công tác tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi cũng đã được trạm y tế cơ sở tiến hành đầy đủ theo định kỳ. Trong thôn, bản không có bệnh dịch lớn xảy ra. Nhờ đó mà người dân tin tưởng cán bộ y tế, tự nguyện từ bỏ hủ tục trị bệnh mê tín dị đoan. 

Còn ở các xã Lưu Sơn và Thịnh Sơn (Đô Lương) tuy chỉ là những xã có điều kiện kinh tế trung bình song nhận thức của người dân về vấn đề ăn sạch, uống sạch, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình được nâng lên rất nhiều. Các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới cũng nhờ đó mà phát triển sâu rộng.

Phong trào “Làng Văn hoá sức khoẻ” cũng đã nhận được sự quan tâm và phối kết hợp lồng ghép với các phong trào của các ban ngành, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi.... Nhiều mô hình phối hợp được duy trì, nhân rộng, đã huy động được sự tham gia tích cực của các ban, ngành và cộng đồng như mô hình Câu lạc bộ “Nông dân văn hoá sức khoẻ”, mô hình “Thanh niên sống khoẻ, sống đẹp”, Mô hình “Nâng cao sức khoẻ cho người cao tuổi”…

Tuy vậy, do các tiêu chí sức khoẻ của phong trào có tính toàn diện, một số chỉ tiêu khó đạt trong thời gian ngắn như tiêu chí không hút thuốc lá, tiêu chí về tỷ lệ các công trình vệ sinh (nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh…). Ngoài ra, nguồn kinh phí chủ yếu chờ Bộ y tế và các nguồn kinh phí hỗ trợ lồng ghép từ các chương trình, dự án khác chưa huy động được nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để bảo đảm duy trì hiệu quả bền vững của chương trình.


Gia Huy