(Baonghean) - Mặc dù ở chỗ này, nơi nọ vẫn còn chuyện cán bộ y tế thờ ơ, phó mặc sự đau đớn, hoặc tắc trách dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân; hay chăm sóc bệnh nhân theo điều kiện kinh tế của họ…. Điều này khiến mỗi chúng ta thấy rất buồn, thậm chí là phẫn nộ ! Tuy nhiên, trong cái mảng “đen” ấy, vẫn còn có nhiều điểm sáng về y đức như chị Tăng Thị Thùy, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu.
 
Chị Thùy tâm sự: Cuộc sống của con người khi thiếu và rất cần cái gì đó, nếu nhận được thì dù rất nhỏ, rất ít cũng đem lại một niềm vui rất lớn, sự biết ơn sâu sắc! Với người bệnh, họ phải đương đầu, chống chọi một mình những đau mà không ai “gánh” thay cho được, nên họ rất cần sự đồng cảm, chia sẻ và sự tận tình chăm sóc của cán bộ y tế nhằm xoa dịu phần nào sự đau đớn. Chị Thùy cũng rất tâm đắc về một câu châm ngôn: “Khi bạn tặng hoa cho người khác, trên tay bạn vẫn còn lưu lại mùi hương” và chị lấy làm phương châm sống cho mình. Từ suy nghĩ đơn giản, mộc mạc và phương châm sống như vậy mà suốt 29 năm làm điều dưỡng, chị luôn hết lòng tận tụy chăm sóc người bệnh.
 

764770_small_62110.jpgĐiều dưỡng trưởng Tăng Thị Thùy.
Với đặc thù của khoa ngoại lồng ghép nhiều bộ phận, vừa điều trị bệnh nhân ngoại, vừa điều trị bệnh nhân chấn thương khoa phẫu thuật, bệnh nhân tán sỏi ngoài cơ thể..., có thể nói công việc khá vất vả và nhiều áp lực. Đặc biệt là khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh khác nhau, như bệnh nhân sống lang thang, bệnh nhân bị bệnh tâm thần, bệnh nhân do uống rượu, bệnh nhân bị tai nạn giao thông nặng nhưng mất hết giấy tờ tùy thân….
 
Những bệnh nhân sống lang thang, bệnh nhân tâm thần khi bị tai nạn giao thông, họ được những người xe lai tốt bụng chở vào viện, việc chăm sóc, dỗ dành thuyết phục những bệnh nhân này thực hiện đúng y lệnh của bác sỹ, chị coi đó là việc đương nhiên của mình. Chị cùng đã chủ động làm việc với đài truyền hình huyện để thông báo tìm người nhà cho bệnh nhân. Những bệnh nhân do uống rượu bị tai nạn thường rất trẻ. Đi theo bệnh nhân đó là vài ba thanh niên nữa toàn thân nồng nặc mùi rượu, nói và hành động vô cùng khiếm nhã. Mặc dù bất bình, nhưng trước những vết thương và sự đau đớn của bệnh nhân, chị vẫn giữ thái độ ôn tồn và ân cần chăm sóc chu đáo.
 
Chị nhớ, cách đây 2 năm (năm 2009), có một bệnh nhân người mãi tỉnh Thanh Hóa trên đường về quê vợ ở Hà Tĩnh bằng xe máy thì bị tai nạn giao thông được đưa vào viện mà trên người không có một giấy tờ tùy thân; điện thoại, tiền bạc cũng không. Chiếc xe máy anh đi là cơ sở duy nhất để có thể nhờ công an lần tìm địa chỉ, người nhà, nhưng trớ trêu là chiếc xe máy đó đã mua đi bán lại qua nhiều chủ sử dụng nên việc xác định không dễ dàng chút nào. Ba ngày đầu cấp cứu trong bệnh viện, chị vừa là người điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, vừa là người nhà lo ba bữa cơm nước cho anh, mua quần áo cho anh thay, chăm sóc anh ngồi lên, nằm xuống… Khi anh tỉnh lại và tìm được người thân vào, sự cảm ơn tay bắt mặt mừng của gia đình anh mang lại thêm niềm vui, niềm hạnh phúc cho chị.
 
Với vai trò của người điều dưỡng trưởng của khoa, chị luôn nhắc nhở anh chị em trong khoa làm tốt trách nhiệm của người điều dưỡng, chăm sóc tốt cho người bệnh. Chị tâm sự: Muốn có một xã hội tốt đẹp thì trước hết mỗi người cần làm những việc tốt, biết sẻ chia, biết yêu thương, như cố nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau”.
 
Chị Tăng Thị Thùy thực sự là người đã thắp sáng y đức, xứng đáng “lương y như từ mẫu”.
Mai Hoa