(Baonghean) - Trong khi nạn buôn bán động vật quý hiếm trái phép xuyên Quốc gia, một lượng lớn động vật rừng trở thành những món ăn đặc sản của các nhà hàng sang trọng, thì có một người mua từng con Khỉ của người dân săn bắt về chăm sóc và thả vào rừng.
Ông tên là Nguyễn Xuân Thành, sinh năm 1962, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ.
Những năm 80 của thế kỷ trước, nơi đây, rừng núi còn nguyên sinh, nhiều loài cây quý hiếm như: lim, sến, táu, giổi, de… Ông Thành từng là một trong những thanh niên “tích cực” trong việc phá rừng. Ông đã đốn hàng trăm cây gỗ để bán cho các đầu nậu… Chỉ trong vòng mấy năm, những khoảnh rừng già đã biến thành đất trống đồi núi trọc do khai thác và làm rẫy của người dân trong vùng. Khi rừng đã hết, ông mới thấy rằng hết rừng là hết tiền, tay trắng vẫn hoàn toàn tay trắng. Ông ngậm ngùi nuối tiếc.
Năm 1994, Nhà nước có chính sách giao đất rừng theo Nghị định 02/CP, ông xin nhận đất để trồng rừng. Vùng đất ông nhận là một vùng núi xa xôi giáp huyện Anh Sơn. Chuyện nhận đất của ông cũng thật bi hài. Ông thì muốn nhận đất, bố ông lại không cho nhận vì lúc đó cả vùng không ai chịu nhận, mặc cho cán bộ kiểm lâm vào xóm “ăn chực nằm chờ” cả tháng trời để vận động người dân nhận đất, nhận rừng theo Nghị định của Chính phủ. Ông xin nhận 100 ha, nhưng vì vận động mãi không có thêm ai nhận, cán bộ Kiểm lâm khuyến kích, nên ông nhận luôn 200 ha; đến khi giao đất theo Nghị định 163/CP khảo sát lại thì toàn bộ diện tích ông đã nhận là 298 ha.
Ông Nguyễn Xuân Thành
Vào những năm 1994, rừng luôn bị xâm hại, chặt phá, khai thác làm rẫy. Để tăng thêm tính pháp lý trong bảo vệ phát triển rừng, ông xin thành lập doanh nghiệp trồng rừng Tuấn Thành. và được UBND tỉnh cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân vào ngày 08/01/1994, là một trong những doanh nghiệp tư nhân sớm nhất huyện. Ông chuyển gia đình vợ con vào rừng, gắn chặt đời mình với rừng, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, trang trại...
Khi ông nhận đất nhận rừng thì toàn bộ khu vực khe Sắn, Pù Hà thuộc khoảnh 3; 4; 8 tiểu khu 864 hầu hết là đất trống sau nương rẫy, khai thác kiệt. Sau gần 20 năm lăn lộn với rừng, không thể kể hết được gian nan vất vả, thậm chí bị tù tội vì bảo vệ rừng, bảo vệ thành quả lao động của gia đình mình, hiện tại ông có hơn 200 ha rừng tự nhiên phục hồi với nhiều loài cây gỗ quý; hơn 70 ha rừng trồng đã đến kỳ khai thác, 9 ha ao hồ thả cá và một trang trại chăn nuôi lợn lai rừng đã và đang xây dựng.
Để bảo vệ rừng, ông Thành đã phải dùng đủ phương cách từ tuyên truyền vận động đến đánh nhau và nhờ cậy các cấp chính quyền mới giữ được rừng như hôm nay. Trên khoảng rừng 298 ha, ông thuộc từng gốc cây ngọn cỏ, những cây lim nay đã lớn một người ôm, những cây táu, cây sến chen chúc nhau như so đũa, dày quá, tỉa thưa chặt cây nào cũng tiếc. Trên rừng của ông bây giờ thú không còn nhiều, chỉ còn dăm ba loài thú nhỏ như chồn, sóc, còn chủ yếu là các loài chim. Thế là rừng không có thú kể cũng buồn, ông mua các loài thú bị săn bắt các nơi khác để thả vào rừng, nhất là những loài thú quý hiếm.
Những con khỉ chuẩn bị được ông Nguyễn Xuân Thành thả vào rừng.
Khi chúng tôi hỏi ông sao lại có những hành động lạ như vậy, diện tích rừng của ông không lớn, xung quanh núi là khu dân cư, nên rất dễ bị xâm hại, làm sao để có thể bảo vệ được chúng? ông Thành cười, đầy suy tư: “Nhiều người cho tôi là lập dị, có người cho tôi là thích chơi trội, thích làm người nổi tiếng, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi chỉ vì muốn làm một người dân yêu rừng và muốn được mọi người hiểu: ông Thành mặc dù còn nghèo song vẫn làm mọi cách để bảo vệ rừng, bảo vệ động vật rừng, mong mọi người vì môi trường sống đừng xâm hại, cùng nhau bảo vệ rừng.”
Ông Thành mong muốn sau này con cháu mình biết thế nào là con khỉ, con mang, con hoẵng không chỉ qua sách báo mà bằng xương bằng thịt trên rừng. Ông cũng biết những con khỉ ông thả vào rừng rất dễ bị xâm hại nhưng ông sẽ làm mọi cách để bảo vệ chúng. Cũng có thể ông chẳng bao giờ được gặp chúng song mọi người dân hiểu được không nên phá rừng và con cháu ông biết được nguyện vọng của cha và mãi mãi bảo vệ rừng.