(Baonghean.vn) -Hiện tại, với con số 67%, Kỳ Sơn vẫn là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cao bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Khơ Mú.
Theo số liệu thống kê, đồng bào dân tộc Khơ Mú chiếm hơn 34% dân số huyện Kỳ Sơn (đứng thứ 2, sau dân tộc Mông). Trong đó có những xã 100% người Khơ Mú sinh sống như Bảo Nam, Bảo Thắng, Bắc Lý; có những xã người Khơ Mú chiếm tỷ lệ đông đảo như Keng Đu, Mường Típ, Mường Ải, Tà Cạ, NaLoi. Nhà cửa tạm bợ, trẻ con nheo nhóc, nương rẫy cỗi cằn... So với các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn, cuộc sống của đồng bào Khơ mú thuộc diện khó khăn nhất. Phân tích nguyên nhân, nhiều người cho rằng dân tộc Khơ Mú hiện vẫn còn mang nặng dấu tích của cuộc sống du canh du cư, sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, trình độ canh tác sản xuất còn thấp, chưa có ý thức vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Cuộc sống của đồng bào Khơ mú ở Kỳ Sơn còn nhiều vất vả
Xin kể 2 câu chuyện dưới đây để dễ dàng hình dung về cách nghĩ, cách làm của bà con Khơ mú. Câu chuyện thứ nhất do một vị lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kể lại. Lâu nay, việc duy trì mô hình trong lúa nước ở xã Bắc Lý không mang lại hiệu quả cao nên huyện quyết định thử nghiệm mô hình trồng lạc. Đến Kỳ thu hoạch, đoàn cán bộ huyện vào kiểm tra và nghiệm thu, hỏi một chị phụ nữ đang thu hoạch lạc: “Chị thấy trồng lạc có hiệu quả hơn trồng lúa không?”. Người phụ nữ đáp: “Hiệu quả hơn nhiều!”. “Chị nói rõ hơn hiệu quả như thế nào?”- một cán bộ hỏi. Không ngờ, chị nông dân hồn nhiên đáp lại: “Trồng lạc có thể bóc ăn ngay tại chỗ. Còn trồng lúa phải gặt, gùi về nhà phơi khô, rồi giã, sàng sảy mới ăn được” (!).
Câu chuyện thứ 2 do anh Hồ Sỹ Cần, cán bộ Đồn biên phòng Nậm Cắn được tăng cường về giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ kể lại. Anh Cần tham mưu và trực tiếp chỉ đạo triển khai mô hình nuôi lợn thịt cho một số hộ dân tộc Khơ Mú. Các hộ gia đình được cấp lợn giống và thức ăn chăn nuôi theo định kỳ. Một hôm, đến kiểm tra ở một hộ gia đình, thấy lợn được tắm sạch sẽ, béo núc ních nên anh rất mừng. Một thời gian sau trở lại kiểm tra, thấy lợn của gia đình này gầy xọp hẳn, anh Cần quyết định phải tìm hiểu rõ nguyên do. Thì ra, khi nguồn thức ăn chăn nuôi đang còn, gia đình này cho lợn ăn liên tục, một ngày không biết mấy lần, hễ lợn kêu là đưa ra cho ăn. Vì thế, lợn béo và lớn nhanh như thổi. Nhưng khi nguồn thức ăn hết, lại chưa đến kỳ nhận bổ sung, lợn chỉ được ăn cây cối giã nhỏ, việc chăm sóc lại thất thường nên gầy xọp hẳn.
Theo anh Hồ Sỹ Cần, để giúp đồng bào Khơ Mú từng bước thoát khỏi đói nghèo, việc quan trọng nhất là phải làm thay đổi, chuyển biến về mặt nhận thức. Hiện tại, anh đang ấp ủ dự định tìm hiểu, nghiên cứu bản sắc người Khơ Mú để tìm ra giải pháp giúp họ chuyển biến nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại nhưng công việc này đang gặp nhiều khó khăn. Một anh bạn người Khơ Mú, hiện đứng đầu một phòng cấp huyện ở Kỳ Sơn chia sẻ, đồng bào Khơ Mú cần được tăng cường hướng dẫn khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, tăng năng suất và sản lượng. Đồng thời tạo điều kiện cho con em họ được học hành lên cao, bố trí việc làm để tạo động lực cho người Khơ Mú “bứt phá” và vươn lên trong cuộc sống.
Tìm giải pháp thoát nghèo cho người Khơ Mú
Liêm Trinh