(Baonghean) -Đến với Châu Bính, một vùng lúa nước trọng điểm của huyện vùng cao Quỳ Châu, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của bà con nông dân sau khi áp dụng giống lúa mới vào sản xuất 2 vụ lúa gần đây. Thành quả này có vai trò đóng góp rất lớn của các cấp ủy đảng và tinh thần tiên phong gương mẫu của các đảng viên.

Cán bộ nông nghiệp xã Châu Bính dẫn chúng tôi đi thăm vùng trọng điểm lúa của xã nằm ở bên kia dòng sông Hạt với những cánh đồng lúa óng vàng, sắp bước vào mùa thu hoạch tại các bản Kiềng 1, Xăng 2… Khung cảnh chiều miền sơn cước thanh bình, toát lên sắc màu của ấm no. Trên 13.000 ha đất tự nhiên, với đất sản xuất nông nghiệp 460 ha, trong đó có 226 ha trồng lúa nước, cùng với Châu Tiến, Châu Bính được xem là 1 trong 2 xã có diện tích trồng lúa nhiều nhất huyện vùng cao này. Ấy vậy mà dường như kết quả cuối mùa vụ còn phụ công mảnh đất nhiều tiềm năng và người nông dân cần cù chịu khó. Nguyên nhân chính là do bấy lâu nay tập quán sản xuất cũ còn tồn tại, khái niệm sản xuất lúa hàng hóa chưa đến được với suy nghĩ của người dân. Thay đổi chỉ thực sự diễn ra vào vụ hè thu năm 2012 khi Châu Bính được huyện Quỳ Châu chọn để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trên diện tích 31 ha được lựa chọn tại bản Kiềng 1, Xăng 2, giống lúa NA2 được đưa vào sản xuất với sự hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ về phân bón, giống của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Đánh giá về mô hình, ông Lô Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu chia sẻ: Hiệu quả của giống lúa cao hơn so với các giống lúa trước vẫn dùng ở địa phương. Năng suất sau vụ hè thu 2012 đạt bình quân 57 tạ/ha.

795542_small_97134.jpg

Châu Bính có nhiều tiềm năng để thực hiện cánh đồng mẫu lớn.

Để đạt được kết quả trên, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nhất là sự tiên phong của các đảng viên ở cơ sở chiếm vị trí rất quan trọng. Bởi theo như lời đồng chí Sầm Thị Lan - Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Bính nhớ lại: “Thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo kế hoạch của huyện, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã mời tất cả các bí thư chi bộ, trưởng bản về họp để tiếp thu và triển khai ở các chi bộ trước khi vận động nhân dân thực hiện. Song, sau khi triển khai về cơ sở, nông dân các bản Xăng 2 và Kiềng 1 - nơi được chọn xây dựng mô hình vẫn có nhiều ý kiến nghi ngại khi sợ đưa giống lúa mới vào không đạt năng suất như giống lúa truyền thống bấy lâu nay”. Trước tình hình đó, để kịp đi vào sản xuất đúng thời vụ, vai trò các đảng viên trong chi bộ 2 bản được phát huy để vận động bà con. Đơn cử như ở bản Xăng 2, Trưởng bản Lang Văn Thắng - một thanh niên trẻ (sinh năm 1982) được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 2005 khi còn trong quân ngũ. Nhận được chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở địa phương, anh đã xung phong đăng ký làm trên diện tích gần 40a, sau đó  vận động bà con thực hiện theo. “Lúc đầu bà con còn lo lắng vì chưa khi nào làm giống lúa NA2 ở địa phương. Mình được tiếp thu chủ trương từ cấp trên nên biết được quy trình làm, công ty lại hỗ trợ giống, phân, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra. Mình về bản thông báo cho mọi người biết nội dung cụ thể khi triển khai và vận động họ yên tâm thực hiện theo chủ trương chung. Chính gia đình mình cũng đăng ký làm nên dần dần bà con yên tâm làm theo rất nhiều”, anh Thắng cho biết. Cuối cùng trong vụ  hè thu năm 2012, cả bản Xăng 2 đã có 100% số hộ (97 hộ) tham gia làm cánh đồng mẫu lớn với diện tích 16,7ha trên tổng diện tích hơn 19ha trồng lúa nước của bản.

Tương tự như vậy, tại bản Kiềng 1, Trưởng bản Mạc Văn Tùng - một đảng viên trẻ đã gương mẫu đăng ký thực hiện đầu tiên và vận động được 45 hộ/76 hộ của bản tham gia làm cánh đồng mẫu lớn. Vụ hè thu năm 2012, gia đình anh Tùng làm 10ha giống lúa NA2 và thu lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích trồng lúa. Anh chia sẻ: Làm giống lúa này, năng suất cao hơn, chất lượng hạt gạo cũng thơm ngon hơn các giống cũ bấy lâu nay vẫn làm ở địa phương. Chúng tôi cũng được hướng dẫn để nâng cao kỹ thuật canh tác giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Như vậy là nông dân được lợi nhiều đường. Còn đối với xã Châu Bính, đánh giá kết quả chung thu được sau vụ hè thu năm 2012, đồng chí Sầm Thị Lan - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Qua cách làm mới này, nhân dân được công ty cung cấp giống phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông hướng dẫn cách thâm canh, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình sản xuất lúa hàng hóa và lúa làm ra được thu mua trực tiếp tại chân ruộng. Nhìn chung hiệu quả bước đầu thu được khá cao so với cách làm lúa truyền thống của nông dân địa phương, đồng thời phù hợp với định hướng của nghị quyết Đảng bộ xã về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất cho nông dân”.

Những ưu điểm của giống lúa mới đã được nông dân Châu Bính tiếp nhận chỉ sau 1 vụ. Bước vào vụ xuân 2013, diện tích làm giống NA 2 của xã đã đạt 50ha nhưng hoàn toàn do nông dân làm tự phát. Bởi, trong vụ xuân 2013, Quỳ Châu lại không được giao kế hoạch và hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Do đó, kế hoạch tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Châu Bính và xã Châu Tiến của huyện Quỳ Châu không thực hiện được. “Huyện rất mong muốn được các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ và triển khai xây dựng 2-3 mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân”, ông Lô Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu kiến nghị. Hiệu quả của xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Châu Bính, Quỳ Châu bước đầu hết sức khả quan, hy vọng mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn tiếp tục được đầu tư triển khai ở Quỳ Châu trong thời gian tới, để người nông dân được hưởng trọn niềm vui mỗi mùa vàng thu hoạch.


Bài, ảnh: Thành Duy