(Baonghean) - Chuẩn bị cho kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong,  người chiến sỹ cộng sản quốc tế xuất sắc, Đài PTTH Nghệ An đã xây dựng một bộ phim tài liệu nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Để làm bộ phim này, chúng tôi dự kiến có cảnh quay ở cả 3 địa điểm chính là quê hương, nơi đồng chí Lê Hồng Phong có những năm tháng tuổi thơ và những ngày hoạt động cách mạng đầu tiên; Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đồng chí hoạt động bí mật,  bị địch bắt, kết án tử hình và Côn Đảo, nơi đồng chí có những ngày hoạt động cách mạng sôi nổi và trút hơi thở cuối cùng trong xà lim của thực dân Pháp.

Những ngày đầu tháng 6/2012, đoàn làm phim chúng tôi lên kế hoạch đến với Côn Đảo. Cuộc hành trình của chúng tôi đến Côn Đảo bằng đường biển. Mười bảy giờ, chúng tôi lên tàu Côn Đảo 09 cùng khoảng vài trăm hành khách. Và sau một đêm lắc lư cùng con sóng, những trải nghiệm đầy thú vị trên biển, 5 giờ sáng ngày hôm sau tất cả mọi người đều đổ lên boong tàu để đón bình minh, để được ngắm nhìn Côn Đảo dần hiện ra trong màn sương sớm. Một cảnh tượng thật hoang sơ, hùng vĩ và thiêng liêng. Côn Đảo hiện lên dưới những tia nắng đầu tiên chiếu rọi,  như một toà lâu đài xanh, nguy nga trấn giữ giữa vùng trời vùng biển bao la phía  Đông Nam của Tổ quốc. Các thành viên trong đoàn đều rất háo hức vì đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Côn Đảo - địa chỉ đỏ mà bất cứ ai cũng mong có được một lần đến thăm. Mọi cảm giác nôn nao vì sóng biển trên một chặng đường dài dường như tan biến. Chúng tôi say sưa ghi lại những thước phim, những hình ảnh đẹp nhất của một ngày mới bắt đầu trên hòn đảo ngọc anh hùng.

Sáng ngày đầu tiên, trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện và một số trưởng phòng, ban chuyên môn của huyện Côn Đảo, chúng tôi đã thống nhất được lịch trình làm việc, điều chỉnh lại một số nội dung kịch bản cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của Côn Đảo. Ngay sau đó, đoàn làm phim chia làm 2 kíp. Cả 2 nhóm phối hợp vào cuộc theo kịch bản đã được lãnh đạo huyện Côn Đảo tham gia góp ý. Hàng ngày sau giờ tác nghiệp về, chúng tôi lại có cuộc hội ý trao đổi, bổ sung, bàn bạc chương trình làm việc của ngày hôm sau.

780871_small_80704.jpg

                                            Đoàn làm phim ghi hình tại Banh I

Có thể nói, để thể hiện được quãng thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong tại Côn Đảo, có rất ít tư liệu. Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thu Yến - Phó phòng Nghiệp vụ và chị Nguyễn Thanh Vân - Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Đảo hướng dẫn, giúp đỡ tận tình. Chúng tôi dành khá nhiều thời gian để ghi lại những dấu tích cuối cùng của đồng chí Lê Hồng Phong như xà lim số 5 ở Banh II, nơi đồng chí trút hơi thở cuối cùng và ngôi mộ khang trang của đồng chí Lê Hồng Phong tại khu B của nghĩa trang Hàng Dương, dưới chân núi Chúa. Phía sau ngôi mộ là một cây phượng, tán lá sum suê, đỏ rực những chùm hoa, gợi nhớ về tinh thần rực lửa của người chiến sỹ cộng sản. Nơi đây, hàng ngày đều có rất nhiều đoàn khách đến viếng. Hôm chúng tôi ghi hình tại khu mộ đồng chí Lê Hồng Phong, đoàn cán bộ Bộ Công an do Thứ trưởng thường trực Đặng Văn Hiếu dẫn đầu cũng đến thắp hương, và đồng chí Thượng tướng đã vui vẻ trả lời phỏng vấn của chúng tôi, bày tỏ niềm xúc động, biết ơn đối với đồng chí nguyên Tổng Bí thư của Đảng.

Phải đến tận nơi, trực tiếp chứng kiến những gì mà các chiến sỹ cộng sản trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong phải gánh chịu dưới chế độ giam cầm tàn bạo của kẻ địch, chúng tôi mới thấm thía được phần nào nỗi nhục mất nước và càng cảm phục biết bao tinh thần đấu tranh dũng cảm kiên trung của các thế hệ cha anh đi trước. Họ đã xả thân mình, không tiếc máu xương của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho cuộc sống hoà bình hôm nay. Tinh thần và khí phách của những người cộng sản như: Lê Hồng Phong, Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu… đã khiến quân thù khiếp sợ. Nhiều tư liệu lịch sử còn ghi lại, trong suốt 2 năm bị giam cầm cấm cố ở địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong đã thể hiện cốt cách của một chiến sỹ cộng sản kiên trung, vừa đấu tranh không khoan nhượng với kẻ địch, vừa là thủ lĩnh tinh thần, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin, đào tạo, rèn luyện cán bộ, gây dựng phong trào cách mạng trong các nhà tù Côn Đảo. Những giây phút cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong còn gửi đến các đồng chí đồng đội của mình một niềm tin sắt đá về thắng lợi của cách mạng. Tất cả những chi tiết và cảm nhận đó, chúng tôi đều cố gắng ghi nhận và chuyển tải đến khán giả qua từng cảnh quay, từng câu chữ lời bình trong suốt 9 tập phim về Côn Đảo, về đồng chí Lê Hồng Phong những ngày cuối cùng trên Côn Đảo. Phim sẽ đến với khán giả NTV vào đầu tháng 9 năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Trong suốt hành trình gần 8 ngày làm phim trên Côn Đảo, chúng tôi đã tìm hiểu thông tin về những di tích lịch sử, những địa danh lịch sử ở đây. Chúng tôi còn được đi thăm hầu hết các danh thắng nổi tiếng, tiếp xúc với rất nhiều nhân chứng sống, những người dân trên thị trấn huyện Côn Đảo. Côn Đảo hôm nay đang từng bước chuyển mình từ một vùng đất được mệnh danh là “địa ngục trần gian” để trở thành một đảo ngọc trong sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của nhân dân cả nước. Trong đó, tình cảm gắn bó thân thiết giữa quê hương đồng chí Lê Hồng Phong và Côn Đảo, nơi yên nghỉ của đồng chí, là tình cảm đặc biệt như lời của anh Lê Xá, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo nói với chúng tôi hôm chia tay...

Một chuyến đi đầy ắp những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của chúng tôi!


Trần Ngọc