(Baonghean) - Ngày 28/6/2012, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân thuộc xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa, TP. Vinh. Đây là công trình có ý nghĩa chính trị sâu sắc, để tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân đối với quê hương, đất nước, đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và phục vụ nhu cầu tham quan du lịch trên địa bàn.

Đại tướng Chu Huy Mân (Tên thật: Chu Văn Điều. Bí danh: Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hai Mạnh, Thao Chăn) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hưng Hòa, huyện Hưng Nguyên - nay là TP. Vinh. Bố ông mất sớm khi ông mới 14 tháng tuổi. Mẹ ông một mình tần tảo nuôi 8 người con ăn học. Lên 7 tuổi, ông đi học chữ Hán ở trường làng,  bấy giờ thuộc xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc TP. Vinh).

780945_small_80793.jpg

Phối cảnh tổng thể Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân.

Năm 1925, ông bắt đầu giác ngộ cách mạng. Năm 1929, ông tham gia cách mạng. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông tham gia Tự vệ Đỏ và là Đội phó Đội tự vệ xã. Cuối năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công, ông được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam. Cuối năm 1945, cấp trên điều ông ra Huế công tác, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu C gồm 4 tỉnh Bắc Trung bộ, Chính trị viên Đường 9 Đông Hà Xa-va-na-khẹt. Cuối năm 1946, ông được điều ra Bắc và được phân công làm trưởng Ban Kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc, rồi sau đó chuyển sang quân đội làm Trung đoàn trưởng các trung đoàn 72, 74 Cao Bằng, rồi làm Chính ủy Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Ông tham gia chỉ huy Đại đoàn 316 tham gia nhiều chiến dịch. Đặc biệt trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Đại đoàn của ông được lệnh lên Tây Bắc rồi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đại đoàn của ông được vinh dự đánh trận mở đầu của chiến dịch, tiêu diệt cứ điểm Him Lam 13/3/1954. Tháng 8/1954, ông là Đoàn trưởng Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, giúp Cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1957, ông giữ chức Chính ủy Quân khu 4; năm 1958, là Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc. Cuối năm 1959 đến tháng 12/1960, ông được phân công là Trưởng đoàn Cố vấn chuyên gia giúp Cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang, giữ cương vị Đoàn trưởng Đoàn 100. Năm 1961, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Năm 1962, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự mang tên Phờ-run-đe của Liên Xô. Tháng 9/1963, ông được điều vào chiến trường Quân khu 5 lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng Đoàn Kiểm tra của Đảng ủy Quân sự Trung ương nghiên cứu tình hình khu 5, Phó Bí thư rồi Bí thư Quân ủy khu 5. Tháng 8/1965, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Từ năm 1967 - 1975, ông là Tư lệnh Quân khu 5, Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu. Từ 1975 - 1976, ông là Chính ủy, kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông là Chính ủy chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1977-1986), phụ trách công tác giúp Cách mạng Lào, Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc (năm 1980). Ông là đại biểu Quốc hội khoá II,VI,VII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986), là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá III, IV, V, Ủy viên Bộ Chính trị khoá IV,V.

“Đại tướng Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cấp cao tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập… Đối với tôi, Đại tướng Chu Huy Mân là người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, người cán bộ mà tôi đặt nhiều niềm tin khi đồng chí được giao những nhiệm vụ quan trọng”.
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
 

Ðại tướng Chu Huy Mân là một tài năng quân sự của đất nước. Trong hơn 11 năm ở Quân khu 5, các chiến dịch do ông trực tiếp chỉ huy đều giành thắng lợi. Ông không những là một người chỉ huy sắc sảo mà còn là một người có biệt tài về xây dựng bản lĩnh chính trị và quân sự, niềm tin và đạo đức cho các đơn vị, cấp dưới thuộc quyền. Đại tướng Chu Huy Mân là vị tướng gắn bó nhiều với đất nước Triệu Voi, với Cách mạng Lào. Ông có công lớn trong việc giúp nước bạn xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng kháng chiến giành độc lập, đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và độc lập, là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng tình đoàn kết Lào - Việt anh em. Ông là “Cố vấn lỗi lạc”, “Cố vấn hay nhất mọi thời đại” của nhân dân các bộ tộc Lào. Ít ai biết rằng, ngay những ngày đầu năm 1946, ông đã có mặt bên dòng sông Sê-pôn Hạ Lào. Suốt cuộc đời, Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Để tôn vinh, khẳng định những đóng góp to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quân đội ta, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên quê hương Xô Viết anh hùng, ngày 28/6/2012, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 2328/QĐ - UBND.CN phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân thuộc xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa, TP Vinh trên diện tích 4.315m2. Nhà tưởng niệm 1 tầng, được thiết kế theo kiến trúc văn hóa truyền thống 3 gian 2 chái. Ngoài ra, công trình còn có nhà khách, nhà phục chế, sân vườn, đường dạo bộ, bãi đậu xe…, đặc biệt có hệ thống cây xanh gồm rất nhiều các loại cây bóng mát như đa, bồ đề, phượng vỹ, bằng lăng tím, hoa đại vàng… và những loại cây ăn quả thân thuộc với quê hương như chuối ngự, cam, bưởi, khế ngọt, hồng xiêm, vú sữa, nhãn… Toàn bộ công trình có tổng mức đầu tư trên 13 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng, ngân sách TP. Vinh 500 triệu đồng, con cháu dòng họ đóng góp gần 3 tỷ đồng, còn lại giao UBND xã Hưng Hòa chịu trách nhiệm huy động từ nguồn xã hội hóa.

Ngày 28/8/2012, công trình Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân chính thức khởi công, dự kiến đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân đúng dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng (17/3/1913 – 2013). Sau khi hoàn thành, công trình sẽ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay của con cháu  dòng họ Chu.
Thanh Thủy