(Baonghean) Trong lịch sử cách mạng oanh liệt, vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sỹ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên, là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, chiến sỹ cách mạng kiên cường của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế.

Với vai trò là người đứng đầu Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng và đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1935), đồng chí Lê Hồng Phong đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc khôi phục Đảng, khôi phục phong trào cách mạng và hoạt động của các tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở đầu những năm 30 của thế kỷ XX; chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng, chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, chính trị và tổ chức để đưa phong trào cách mạng nước ta chuyển sang thời kì cao trào 1936 – 1939, tạo tiền đề quan trọng tiến lên cao trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945.

Những cống hiến quan trọng đó của đồng chí Lê Hồng Phong là do sớm nhận thức sâu sắc về vai trò công tác vận động quần chúng của Đảng, vai trò của việc phê bình và sửa chữa khuyết điểm nói chung, trong công tác vận động quần chúng của Đảng nói riêng. Đây chính là hai tư tưởng xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo Đảng của đồng chí. Tư tưởng và hành động luôn thống nhất, sau mỗi phong trào cách mạng, mỗi giai đoạn lãnh đạo của Đảng, đồng chí luôn ngẫm lại, phân tích mặt được, mặt chưa được, phê bình và sửa chữa khuyết điểm trong công tác vận động quần chúng, để từ đó định hướng hành động đúng đắn trong giai đoạn tiếp theo.

780905_small_80746.jpg

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên). Ảnh: S. M

Đại hội lần thứ nhất của Đảng diễn ra năm 1935 có sự chuẩn bị tích cực của đồng chí Lê Hồng Phong và tại Đại hội này, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội đã đánh dấu sự khôi phục về tổ chức của Đảng và ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong trong việc khởi thảo chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng.

Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong đã có nhiều cống hiến to lớn đối với cuộc đấu tranh để thống nhất các quan điểm trong Đảng, xây dựng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng phù hợp với tình hình mới trên thế giới và trong nước, để tập hợp rộng rãi lực lượng quần chúng trong cuộc đấu tranh chống nguy cơ phát xít, chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do, cơm áo hoà bình cho dân tộc.

Quá trình tìm hiểu vấn đề phê bình, sửa chữa khuyết điểm trong công tác vận động quần chúng của Đảng của đồng chí Lê Hồng Phong, bài học đầu tiên rút ra cho chúng ta hôm nay là đặt đúng vị trí công tác dân vận trong sự nghiệp cách mạng.

Khi nghiên cứu tư tưởng đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta còn nhận thấy việc phê bình, sửa chữa khuyết điểm trong công tác vận động quần chúng cần phải được tiến hành thường xuyên. Phê bình, sửa chữa khuyết điểm là quy luật phát triển của Đảng và công tác vận động quần chúng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đây là việc đặt ra thường xuyên trong công tác vận động quần chúng, bởi trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, còn nhiều tồn tại, cần phê bình, sửa chữa khuyết điểm để khắc phục hạn chế. Tuy nhiên, việc phê bình phải được thực hiện một cách đúng đắn, khoa học, "thành thực và có nguyên tắc", đúng với thực tiễn khách quan; cần tránh việc lợi dụng phê bình để đả kích, vu cáo gây bè kết phái hay trù dập người phê bình thẳng thắn, làm phân tâm trong tổ chức, phân tâm trong nhân dân.

Hiện nay, việc phê bình, sửa chữa khuyết điểm trong công tác vận động quần chúng vẫn chưa được đặt đúng mức ở một số địa phương, đơn vị. Lực lượng làm dân vận phải là lực lượng của cả hệ thống chính trị, nhưng khi tiến hành việc phê bình thì chỉ thấy hạn chế, yếu kém của công tác vận động quần chúng trong những tổ chức chuyên trách làm công tác vận động quần chúng, chứ không thấy trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức khác; hoặc chỉ thấy trách nhiệm của những cán bộ trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, trực tiếp giải quyết nhu cầu của nhân dân mà chưa thấy trách nhiệm của những người lãnh đạo, quản lí... Bên cạnh đó, việc phê bình, sửa chữa khuyết điểm trong công tác vận động quần chúng ở một số nơi vì "xem khinh việc dân vận" nên làm qua loa, đại khái, không thấy được ưu điểm để phát huy, không chỉ mặt hạn chế để khắc phục, thậm chí không xác định rõ nội dung của công tác dân vận, khiến công tác dân vận có khi bị lãng quên. Điều đó làm hạn chế đến việc phê bình, sửa chữa khuyết điểm trong công tác vận động quần chúng.

Nhìn vào thực tiễn công tác dân vận cho thấy, công tác dân vận thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động quần chúng thực hiện các mục tiêu cách mạng, góp phần cải thiện mức sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng tốt hơn; bộ mặt của đất nước được đổi mới khá toàn diện. Công tác dân vận đã có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách giải quyết các quyền lợi chính đáng của nhân dân; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân được củng cố và tăng cường; tạo được ý thức dân vận thời kì mới... Bên cạnh những mặt tích cực, công tác dân vận vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp phát triển đất nước; kiến thức, kĩ năng, phương pháp vận động quần chúng còn thiếu; một số cơ chế, chính sách còn bất cập gây bức xúc trong nhân dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên xem nhẹ công tác dân vận, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thực tiễn đó đòi hỏi phải tiến hành việc phê bình, nhưng quan trọng hơn là phải quyết tâm sửa chữa khuyết điểm để công tác dân vận không ngừng tiến bộ. Trong quá trình cách mạng có nhiều khó khăn, cả chủ quan cũng như khách quan, nhưng phải có quyết tâm vươn lên khắc phục khó khăn, đề ra nội dung, biện pháp sửa chữa khuyết điểm một cách cụ thể, khả thi.

Từ việc học tập tư tưởng đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta cũng nhận thức sâu sắc hơn rằng: Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của Đảng, cần củng cố vững chắc hơn nữa nhận thức về vai trò của công tác vận động quần chúng của Đảng trong cả hệ thống chính trị, trong các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm thấm nhuần ý thức dân vận, coi đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trước Đảng, trước dân, trước sự phát triển của đất nước. Cần phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tại Quyết định số 290-QĐ/T.Ư ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị; Quy chế dân chủ ở cơ sở... đồng thời giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy chế này tại các tổ chức, đơn vị. Công tác vận động quần chúng của Đảng là một trong những vấn đề lớn của Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, muốn công tác dân vận tốt thì việc phê bình, sửa chữa khuyết điểm thường xuyên có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là một tư tưởng lớn, một bài học lớn mà đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần xây dựng trong di sản tư tưởng của Đảng và để lại cho chúng ta.


Nguyễn Xuân Sơn