Thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục hệ thống lớp bán công tại các trường Bán công và công lập đã phát triển mạnh, góp phần đẩy nhanh phát triển giáo dục ở các vùng cao, vùng sâu. Tuy nhiên, khi nhà nước có chủ trương tăng mức lương khởi điểm từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng nhưng mức học phí của hệ bán công lại không tăng đẩy nhiều trường học ở tỉnh ta biến thành "con nợ?" Nhiều trường có tổng số dư nợ từ 150 -250 triệu đồng nhưng chưa biết xoay xở bằng cách nào.
Xuất phát từ quy mô giáo dục phát triển nhanh và để huy động sự đóng góp của nhân dân vào công tác giáo dục, dành ngân sách
đầu tư phát triển giáo dục ở miền núi vùng cao, sau khi Luật Giáo dục ra đời, năm 1998 Nghệ An có chủ trương thành lập các trường bán công và mở các lớp hệ bán công trong các trường công lập. Những năm qua, mô hình này hoạt động rất hiệu quả, giáo dục ở miền núi vùng cao đã có điều kiện phát triển mạnh ở tất cả các bậc học. Nhưng vấn đề đặt ra là năm học 2006-2007, mức lương khởi điểm tăng từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng/người/tháng, trong khi mức thu học phí của các lớp bán công vẫn không tăng khiến nhiều trường rơi vào thế ngồi trên đống lửa bởi "đống nợ" tiền lương, tiền dạy thay, dạy thừa giờ... của giáo viên.
Hiện tỉnh ta có 356 trường bán công "ròng" từ mẫu giáo mầm non đến THPT, và 753 lớp bán công nằm trong các trường công lập. Chỉ tính riêng cấp THPT có 839 lớp bán công với tổng số học sinh là 41.532 em/ 145.349 học sinh THPT. Đáng chú ý là ngoài những trường bán công, giáo viên các trường công lập có lớp bán công không chỉ dạy riêng biệt từng hệ mà phải dạy cả ở hai hệ. Vì thế đa số các trường đều lấy hai nguồn kinh phí (do nhà nước cấp và thu học phí của học sinh) nhập lại để trả lương cho giáo viên. Sau vài lần điều chỉnh mức thu học phí của hệ bán công, theo Quyết định 110/2005/QĐ-UBND ngày 30/5/2005 của UBND tỉnh chỉ mới cơ bản đáp ứng được việc chi trả lương theo mức lương khởi điểm 350.000 đồng. Suốt mấy năm qua nguồn ngân sách của tỉnh phải "giật gấu, vá vai" bù thêm 19,2 tỷ đồng cho mỗi năm học. Từ tháng 10/2006, Nhà nước tăng mức lương khởi điểm từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng khiến các trường công lập có lớp bán công và các trường bán công không đủ tiền trả lương và trả tiền dạy thừa giờ cho giáo viên. Trường nào càng có nhiều lớp bán công thì số tiền nợ càng lớn. Hiện nay, bình quân các trường THPT trong tỉnh (trừ những trường không có lớp bán công) đang nợ lương và tiền dạy thay, dạy thừa giờ của giáo viên từ 150.000.000-250.000.000 đồng. Nguồn thu học phí hệ bán công không tăng khiến các trường điêu đứng, không có phương án nào khả thi để trả đủ lương cho giáo viên và các hoạt động dạy học. Đây thực sự là một vấn đề khó khăn đối với ngành Giáo dục, lãnh đạo các trường và gây bức xúc cho đội ngũ giáo viên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Đông - Hiệu trưởng trường THPT Thái Lão cho biết: "Hiện nay nhà trường có 35 lớp, trong đó có đến 20 lớp bán công với trên 1.000 học sinh học hệ bán công. Để trả lương cho giáo viên đúng với mức lương khởi điểm 450.000 đồng/tháng, nhà trường đã phải thu cả tiền dạy thêm học thêm, tiền giữ xe, chuyển cả học phí công lập sang để trả lương cho giáo viên dạy lớp bán công sau khi đã trừ các chi phí tối thiểu nhưng vẫn không đủ. Đến nay trường đang còn nợ 2 tháng lương (7 và 8) của giáo viên với số tiền 168.491.700 đồng. Mọi hoạt động trong nhà trường rất khó khăn, thậm chí không còn có tiền để xây cổng, nhà bảo vệ và sửa chữa các lớp học đã xuống cấp, hư hỏng. Thực trạng này đã khiến cho đội ngũ giáo viên thiếu phấn khởi và không an tâm công tác".
Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT đã có đề án thu và quản lý học phí tại các trường bán công, lớp bán công trong trường công lập. Theo ông Phạm Huy Đức - Chánh văn phòng Sở thì việc điều chỉnh mức thu học phí trong các trường bán công và lớp bán công để có nguồn chi trả lương cho giáo viên là hết sức cần thiết và mức thu học phí bán công được điều chỉnh tăng từ 8000-24.000 đồng/ tháng đối với các trường học vùng miền khác nhau để đảm bảo trả lương cho giáo viên phù hợp với mức lương khởi điểm 450.000 đồng. Ông Đức cho biết: Mức thu được qui định cụ thể: Tại các trường của thành phố Vinh đối với học phí THPT bán công mức cũ là: 90.000 -105.000 đồng/ học sinh/ tháng thì nay mức mới sẽ là 113.000-128.000 đồng/ học sinh/ tháng; đối với các xã đồng bằng thuộc KV 1 học phí mức cũ là 80.000 - 95.000 đồng / học sinh/ tháng thì nay mức mới sẽ là 103.000 đồng - 118.000 đồng; các xã thuộc KV2 mức cũ 75.000- 90.000 đồng/ học sinh/tháng thì nay mức mới : 98.000- 113.000 đồng/ học sinh/ tháng. Được biết đề án này đã được các Sở: Tài chính; Tư pháp; Kế hoạch đầu tư và Ban văn hoá xã hội ( HĐND tỉnh) thẩm định. Tuy nhiên, để thực hiện được đề án này phải được kỳ họp HĐND tỉnh quyết định trong thời gian tới. Rất đáng chú ý: vấn đề tăng thu học phí luôn được coi là "nhạy cảm" và một số nơi đã thất bại khi đưa vấn đề này ra HĐND và công luận rộng rãi...