Dấu tích xưa
Về xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc dịp tháng 11/2017, theo các bậc cao niên, nơi đây từng có lăng mộ và đền thờ của Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng - vị vua thời Hậu Trần có nhiều công lao với đất nước, đã tổ chức kháng chiến chống lại ách đô hộ của giặc Minh. Các bậc cao niên kể rằng, Đền Trung, nơi thờ Trùng Quang đế nằm sát kề với khu lăng mộ của ông. Nay lăng mộ còn đó, nhưng đền xưa chỉ còn dấu tích.
Đền Trung xưa có quy mô rất lớn với 3 tòa Hạ,Trung, Thượng. Trong đền, có đầy đủ tượng, đồ tế khí, sắc phong của các đời vua triều Lê, Nguyễn… tương xứng với với công lao của ông. Đến thời kỳ giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Đền Trung đã bị bom đạn phá hại, các tòa Hạ, Trung, Thượng đều bị hư hỏng.
Giai đoạn này, chính quyền xã Hưng Lộc đã sử dụng tạm các vì, kèo, cột… của đền để dựng nhà kho của hợp tác xã. Còn đồ tế khí, tượng, sắc phong…, thì được chuyển về Nhà thờ họ Trần (cũng tại xóm Đức Thịnh) để gìn giữ, chờ ngày Đền Trung được phục dựng sẽ đưa trở lại.
Còn khu lăng mộ của Trùng Quang Đế tại xóm Đức Thịnh thì may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Lăng mộ của ông, ở vị trí khá phong quang, sát cạnh con đường mang trên tên hiệu của ông: Trần Trùng Quang. Lăng mộ nay đã được đầu tư, tu bổ khá bề thế. Khu lăng mộ có tường rào, tam quan, ban thờ, voi ngựa chầu, cây xanh tỏa bóng mát…
Tìm đến khu lăng mộ của Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng, quang cảnh đúng như các cao niên xóm Đức Thịnh mô tả, còn dấu tích của Đền Trung đã mất hết. Ở đây, chúng tôi được gặp cụ Trần Thị Quyền (77 tuổi), là con cháu hậu duệ họ Trần xóm Đức Thịnh.
Cụ Quyền khi được hỏi, đã nói về nỗi luyến nhớ ngôi đền xưa của con cháu dòng họ Trần và nhân dân xã Hưng Lộc. Và cụ hướng ra một rặng cây bụi um tùm phía sau khu lăng mộ chừng 100m cho biết:
“Đền Trung sau khi bị bom đạn chiến tranh làm cho hư hỏng, đã bị dỡ làm nhà kho hợp tác đặt ở khu vực ấy. Qua thời gian, nhà kho cũng bị sập đổ. Hiện trong lùm cây vẫn còn nguyên những đồ gỗ của đền. Bởi đền thiêng có tiếng, nên không ai dám lấy về dùng…”.
Khám phá những đồ gỗ của Đền Trung như cụ Trần Thị Quyên đã chỉ điểm, trong um tùm cây cối ấy quả có rất nhiều những vì, kèo, xà, cột… Dù đã bị thời gian làm cho hư hỏng, nhưng những dấu tích nghệ thuật điêu khắc trên gỗ thường thấy ở các ngôi đền hiển hiện rất rõ ở những đồ gỗ này…
Tìm đến trụ sở xã Hưng Lộc ngay sau đó, các cán bộ nơi đây xác nhận việc phục dựng Đền Trung là niềm mong của con cháu Đại tộc họ Trần và của toàn thể cán bộ nhân dân xã Hưng Lộc. Bởi niềm mong này là hoàn toàn chính đáng, Đảng ủy, chính quyền xã Hưng Lộc đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên từ khá lâu.
Năm 2014, UBND tỉnh đã có Công văn số 5113/UBND-VH đồng ý chủ trương phục dựng Đền Trung với nguồn kinh phí được xác định từ xã hội hóa và một phần ngân sách của UBND TP.Vinh và UBND xã Hưng Lộc.
Kế hoạch phục dựng Đền Trung sau đó đã được các ngành, các cấp thẩm quyền phê duyệt. Vậy nhưng việc phục dựng Đền Trung gặp khó khăn về kinh phí nên chậm được triển khai, dù chính quyền xã Hưng Lộc đã thực hiện kêu gọi công tác xã hội hóa để phục dựng đền…
Chung tay phục dựng đền thiêng
Về xã Hưng Lộc dịp này, các cán bộ nơi đây cho hay, bằng nguồn tiền đóng góp ban đầu của con cháu dòng họ Trần và của cán bộ nhân dân trong xã, tòa Thượng điện của Đền Trung đang được xây dựng. Như vậy, niềm mong phục dựng lại Đền Trung của con cháu dòng họ Trần và toàn thể cán bộ, nhân dân xã Hưng Lộc đã bắt đầu được thực hiện.
Đến vùng lăng mộ Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng, việc xây dựng Thượng điện Đền Trung đã đến giai đoạn hoàn thiện. Tòa Thượng điện được đặt lại trên nền đất cũ có diện tích khá rộng, ngay phía sau khu vực lăng mộ của ông. Thượng điện được xây dựng bằng chất liệu bê tông theo đúng kiến trúc cổ, có hậu cung, 18 cột với 4 mái cong.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, anh Lê Duy Thành, tòa Thượng điện có diện tích khoảng 80m2, tổng kinh phí xây dựng khoảng 950 triệu đồng. Khi tòa Thượng điện hoàn thành, chính quyền xã sẽ sử dụng quỹ đất cận kề phía bên phải, do xã quản lý để làm sân bãi đỗ xe phục vụ người dân đến thăm viếng; đồng thời, có kế hoạch mở rộng bên trái để khuôn viên đền có thêm bề rộng hướng ra đường Trần Trùng Quang.
Cũng tại đây, anh Lê Duy Thành còn cho biết, sau khi xây dựng hoàn thành tòa Thượng điện và hệ thống phụ trợ như tường rào, bãi đỗ xe…, chính quyền xã Hưng Lộc sẽ kiến nghị các ngành chức năng và các cấp xem xét, công nhận lại di tích lịch sử văn hóa cho đền Trung.
Anh Thành trao đổi: “Sau khi được công nhận di tích lịch sử văn hóa, xã Hưng Lộc sẽ tiến tới phục dựng lại vẹn nguyên các tòa Trung, Hạ điện cho thỏa niềm mong của con cháu họ Trần và nhân dân toàn xã…”.
Liên quan đến Đền Trung và dòng họ Trần xã Hưng Lộc, chúng tôi từng được nghe nhiều việc Đền Trung bị thu hồi Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, Câu chuyện này đã xẩy ra đã khá lâu. Thời ấy, ngành văn hóa lập hồ sơ di tích “Mộ và Đền thờ Trần Quý Khoáng” và được Bộ VH&TTDL công nhận di tích quốc gia.
Sau đó, từ việc kiện tụng đất đai liên quan đến đất di tích Nhà thờ họ Trần của người trong gia tộc, đã dẫn đến các cơ quan cấp trung ương nhận thấy hồ sơ di tích có những điều chưa chuẩn xác. Năm 2010, Di tích lịch sử “Mộ và Đền thờ Trần Quý Khoáng” bị Bộ VH&TTDL rút bằng công nhận.
Nhưng bởi Trần Quý Khoáng là nhân vật lịch sử có thật, chuỗi di tích gắn với vị vua này gồm khu lăng mộ, Nhà thời họ Trần và Đền Trung là có thật, nên UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền thành phố Vinh và xã Hưng Lộc phải có trách nhiệm gìn giữ. Để tới năm 2014, có chủ trương đồng ý phục dựng Đền Trung.
Ở xã Hưng Lộc những ngày này, chúng tôi đã được gặp một số cá nhân là con cháu hậu duệ dòng họ Trần tham gia đóng góp phục dựng lại Đền Trung. Anh Trần Trung Du, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần xã Hưng Lộc là một trong những người đó.
Anh Du cho biết, bố của anh là người được Hội đồng gia tộc giao phó trách nhiệm gìn giữ, bảo quản 3/12 đạo sắc của các vị vua trước đây phong tặng cho Đền Trung. Qua hàng chục năm, 3 đạo sắc này vẫn được gia đình anh gìn giữ vẹn nguyên.
Anh Du cho chúng tôi xem 3 đạo sắc phong (1 đạo sắc thời Lê, 2 đạo sắc thời Nguyễn) và kể cho chúng tôi về những con cháu hậu duệ họ Trần xã Hưng Lộc ở trên mọi miền của tổ quốc đã công đức để phục dựng Đền Trung.
Anh nói: “Trần Quý Khoáng là vị vua cuối của triều Trần, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Cuộc kháng chiến dù thất bại, nhưng là nền tảng để nhà Lê đánh đuổi được giặc ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Các danh thần của ông như Nguyễn Biểu, Đặng Tất… sau khi mất đi đều đã có nơi thờ tự xứng đáng. Sao riêng ông đến nay lại không có được điều này? Là hậu duệ của ông, nghĩ đến điều này chúng tôi đành lòng sao được? Bởi vậy, trong thời điểm nhà nước còn khó khăn thì vận động nhau công đức phục dựng lại Đền Trung, để ông có được nơi thờ tự. Cũng qua đây để tập hợp, xây dựng mối kết đoàn trong gia tộc…”.
Lời anh Trần Trung Du, như một sự giãi bày thay cho con cháu hậu duệ dòng họ Trần xã Hưng Lộc. Nghĩ rằng, những nỗ lực để phục dựng Đền Trung, thật ý nghĩa. Bởi trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng là nhân vật lịch sử xứng đáng được tôn vinh; và bởi những nỗ lực phục dựng Đền Trung, sáng thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt…