(Baonghean) - Liên quan đến việc phục dựng di tích Đền Trung, tháng 10/2017, Báo Nghệ An nhận được đơn kiến nghị của đại diện gia tộc họ Trần ( xã Hưng Lộc) đề nghị thực hiện xác định, cắm mốc ranh giới Nhà thờ họ Trần.

Phôi pha dấu tích

Về xã Hưng Lộc, TP.Vinh theo kiến nghị của đại diện gia tộc họ Trần xóm Đức Thịnh, nơi chúng tôi mong tìm đến là chuỗi di tích lịch sử Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng gồm khu Lăng mộ, Nhà thờ họ Trần và Đền Trung. Vậy nhưng, Lăng mộ, Nhà thờ thì còn đó, nhưng Đền Trung không còn dấu tích. 

1510798073621.jpgKhu lăng mộ Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP. Vinh. Ảnh: Nhật Lân

Lần hỏi các bậc cao niên xóm Đức Thịnh, các cụ nói rằng Đền Trung xưa nằm sát kề khu Lăng mộ Trùng Quang Đế. Đền có quy mô rất lớn với 3 tòa Hạ, Trung, Thượng, và đầy đủ tượng, đồ tế khí, sắc phong... tương xứng với công lao của một vị vua.

Thời kỳ chiến tranh, đền bị bom đạn đế quốc Mỹ phá hại, bởi vậy các tòa nhà đã hư hỏng. Chính vì vậy, chính quyền xã Hưng Lộc thời bấy giờ đã sử dụng các vì, kèo, cột... của đền để dựng nhà kho của hợp tác xã. Về đồ tế khí, tượng, sắc phong..., thì được chuyển về Nhà thờ họ Trần gìn giữ, chờ ngày Đền Trung được phục dựng sẽ đưa trở lại.

Đến thăm khu Lăng mộ Trùng Quang Đế, tại xóm Đức Thịnh, ở vị trí khá phong quang sát cạnh con đường mang tên hiệu của ông - Trần Trùng Quang. Lăng mộ được đầu tư xây dựng khá bề thế, ngoài lăng mộ còn có tam quan, ban thờ, hàng rào, cây xanh tỏa bóng mát... Nhưng dấu tích của Đền Trung nằm kề cận khu lăng mộ như các cao niên xóm Đức Thịnh mô tả thì không còn.

Cụ Trần Thị Quyền, 77 tuổi, ở xóm Đức Thịnh khi được hỏi, đã chỉ ra một rặng cây bụi um tùm phía sau khu lăng mộ chừng 100m và nói rằng: Đền Trung sau khi bị bom đạn chiến tranh làm cho hư hỏng, đã bị dỡ làm nhà kho hợp tác đặt ở khu vực ấy. Nhưng qua thời gian, nhà kho cũng bị sập. Hiện trong lùm cây vẫn còn nguyên những đồ gỗ của đền. Vì đồ vật của đền thiêng, nên không ai dám lấy...

Cùng Phó Chủ tịch xã Hưng Lộc, anh Lê Duy Thành khám phá những đồ gỗ của Đền Trung như cụ Trần Thị Quyên đã chỉ, trong lùm cây um tùm ấy quả có rất nhiều những vì, kèo, xà, cột... Dù đã bị thời gian làm cho hư hỏng, nhưng những dấu tích nghệ thuật điêu khắc trên gỗ thường thấy ở các ngôi đền hiển hiện rất rõ ở những đồ gỗ này...

Nỗi niềm dòng họ Trần

Tìm gặp đại diện dòng họ Trần xã Hưng Lộc, họ kể cho chúng tôi nghe rất nhiều những chuyện có liên quan đã xảy ra từ thời gian cách đây đã đến hơn chục năm trời. Từ việc ngành văn hóa lập hồ sơ di tích “Mộ và Đền thờ Trần Quý Khoáng”, để rồi được Bộ VH&TTDL công nhận di tích quốc gia; đến việc kiện tụng đất đai liên quan đến đất di tích Nhà thờ họ Trần của người trong gia tộc, dẫn đến các cơ quan trung ương phát hiện hồ sơ di tích này có những sai lệch nghiêm trọng, và Di tích lịch sử “Mộ và Đền thờ Trần Quý Khoáng” bị Bộ VH&TTDL rút bằng công nhận năm 2010.

Rồi bởi Trần Quý Khoáng là nhân vật lịch sử có công với đất nước, chuỗi di tích gắn với vị vua này gồm khu lăng mộ, Nhà thờ họ Trần và Đền Trung là có thật, nên UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền thành phố Vinh và xã Hưng Lộc phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ. 

Những đồ gỗ là phế tích Đền Trung còn sót lại. Ảnh: Nhật Lân

Đại diện gia tộc họ Trần xã Hưng Lộc, gồm các ông Trần Cự Hải, Trần Đình Diệu, Trần Thúc Mỹ... đã trao đổi rằng, đến thời điểm hiện tại, việc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình trong gia tộc có liên quan đến đất đai nhà thờ vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Vì vậy, đất đai của di tích Nhà thờ họ Trần vẫn chưa được chính quyền thành phố Vinh xác định ranh giới, cắm mốc thực địa. Theo ông Trần Thúc Mỹ, có rất nhiều những căn cứ mang tính pháp lý thực hiện xác định ranh giới, cắm mốc địa giới cho di tích Nhà thờ họ Trần. Đó là biên bản kiểm kê hiện trạng bảo vệ di tích Trần Quý Khoáng, biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích, Quyết định 487 ngày 20/1/2011 của UBND tỉnh giao UBND thành phố Vinh đo đạc lại đất đai di tích Nhà thờ họ Trần...

Vì vậy, cùng với mong muốn Đền Trung được phục dựng để chuỗi di tích liên quan đến Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng được hoàn thiện, đề nghị UBND TP.Vinh thực hiện xác định ranh giới, cắm mốc thực địa cho Nhà thờ họ Trần.

Ông Trần Thúc Mỹ nói: “Tòa án thành phố đang thụ lý việc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình trong dòng họ. Nhưng Tòa án xác định, tách đất có Nhà thờ họ Trần ra khỏi khu vực đất có tranh chấp, không đưa vào xem xét. Vì vậy, UBND thành phố cần thực hiện cắm mốc thực địa. Đây cũng là chỉ đạo của UBND tỉnh trong những năm qua...”.

Bao giờ phục dựng Đền Trung?

Ở xã Hưng Lộc và các cơ quan liên quan, có rất nhiều tài liệu liên quan đến di tích Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng. Các tài liệu này thể hiện việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa cho Nhà thờ họ Trần đã được UBND thành phố Vinh và các cơ quan có liên quan thực hiện không ít lần nhưng chưa thành, vì thửa đất có Nhà thờ họ Trần nằm chung trong thửa đất đang có tranh chấp; trong bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích không thể hiện mốc giới, kích thước tất cả các góc cạnh của thửa đất nên việc xác định ranh giới, mốc giới gặp khó khăn.

Còn theo vị đại diện xã Hưng Lộc thông tin, hiện vụ việc tranh chấp thửa đất có liên quan đến đất Nhà thờ họ Trần đang được Tòa án thành phố Vinh thụ lý. Vì vậy, để xác định được ranh giới, cắm mốc đối với Nhà thờ họ Trần, cần phải chờ kết quả từ Tòa án thành phố Vinh. 

Về việc phục dựng Đền Trung, sau khi nhận được các văn bản xã Hưng Lộc, UBND TP. Vinh, Sở VH&TT trình lên, tháng 7/2014, UBND tỉnh đã đồng ý về mặt chủ trương tại Công văn số 5113/UBND-VH; tháng 8/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 4071/QĐ.UBND-XD về việc cho phép khảo sát, lập quy hoạch xây dựng; và tháng 4/2015, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 phục hồi Đền Trung tại Quyết định số 1470/QĐ-UBND.XD. 

Theo ông Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, các căn cứ mang tính pháp lý để phục dựng Đền Trung đã cơ bản hoàn thiện. Vậy nhưng để phục dựng được Đền Trung, cần phải kêu gọi nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Chính quyền xã Hưng Lộc đã thực hiện kêu gọi công tác xã hội hóa để phục dựng đền, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn. 

Đền Trung, như UBND xã Hưng Lộc, UBND TP.Vinh và Sở VH&TT xác định, là nơi thờ Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng, lãnh tụ của phong trào chống giặc Minh xâm lược ở thế kỷ thứ XV; việc phục dựng Đền Trung, là tâm nguyện của con cháu dòng họ Trần cũng như nhân dân xã Hưng Lộc.

Tại các văn bản của UBND TP.Vinh, Sở VH&TT và UBND tỉnh có liên quan đến việc phục dựng Đền Trung, nguồn kinh phí thực hiện ngoài kêu gọi xã hội hóa còn xác định có một phần từ ngân sách của thành phố Vinh và xã Hưng Lộc.

Vì vậy mong rằng, chính quyền thành phố Vinh và xã Hưng Lôc, ngoài kêu gọi xã hội hóa, sẽ xem xét, xây dựng kế hoạch bố trí nguồn vốn ban đầu từ ngân sách để phục dựng một phần; đồng thời kêu gọi con cháu dòng họ đang sinh sống trên mọi miền tổ quốc tham gia đóng góp, để Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng có được nơi thờ tự tương xứng công tích của danh nhân này với đất nước. 

Nhật Lân