Chúng tôi men theo con đường vành đai miền Tây Nghệ An từ ngã ba Lưu Kiền (huyện Tương Dương) vượt qua các xã Nậm Càn, Na Ngoi (Kỳ Sơn) đến với bản Huồi Khe (xã Mường Ải). Từ lâu đã nghe đồn đây là con đường “đau khổ nhất miền Tây Nghệ An” nhưng hôm nay đã đổi khác nhiều lắm.
Từ Nậm Càn vào hết Na Ngoi ngày trước bùn lầy ngập tới bắp chân nhưng giờ được rải nhựa thẳng tắp. Chỉ từ bản Kèo Bắc trở vào do chưa được hoàn thiện nên vẫn gập ghềnh những ổ trâu, ổ gà. Hơn 3 giờ đồng hồ, chiếc xe cà tàng xóc nảy dần chúng tôi nhừ người, mới đặt chân đến bản Huồi Khe.
Từ xa nhìn lại, Huồi Khe chỉ chừng mấy chục nóc nhà nằm lác đác bên sườn đồi và ven con đường nhỏ chạy thẳng ra trung tâm xã. Trên bãi cỏ ngay đầu bản, những con gà lôi to lớn hiền lành nhẩn nhơ tìm kiếm thức ăn. Mấy đứa trẻ gặp khách, chừng như lạ lẫm quá túm tụm chạy và nhà xì xào bàn tán. Chúng tôi hỏi câu nào vẫn chỉ nghe được một câu trả lời lặp đi lặp lại: “xì pâu, xì pâu” (không biết).
Tìm đến nhà trưởng bản Lầu Giống Xênh may gặp lúc anh đang ở nhà. Cởi đôi ủng đi trong chân ra, Giống Xênh than thở: “Bố mới đi lên cụm bản Ải Khe, Thặm Khớp họp dân về. Cùng một bản nhưng ở cách nhau hơn 30 km nên vất vả lắm”. Cái cách nói của anh khiến chúng tôi bật cười bởi tuổi của “bố” trưởng bản này chỉ cách chúng tôi chừng 5-6 tuổi (cách xưng hô này ở các bản Mông, khi người đàn ông đã có con).
Uống vội cốc nước chưa kịp mời khách, lau vội những giọt mồ hôi còn vương trên khuôn mặt sạm đen, Giống Xênh bảo rằng, nếu tính chung tất cả các cụm bản thì Huồi Khe gần 60 hộ, trong đó hộ nghèo vẫn còn chiếm hơn 80%. Vất vả nhất là bây giờ các hộ dân ở tách biệt với nhau, bởi vậy phải phân ra trưởng bản đóng ở đây còn bí thư chi bộ lại ở tận Ải Khe.
Thấy vẻ thắc mắc của khách, Lầu Giống Xênh vừa tâm sự vừa nhớ lại câu chuyện cách đây 15 năm khiến anh em dòng họ phải sống li tán. Ấy là vào một buổi chiều cuối năm 2003, lúc ấy bản đang định cư ở Ải Khe cách cửa khẩu biên giới với nước bạn Lào chừng 10 km. Đó là một bản làng đông đúc yên ấm. Tuy cuộc sống có khó khăn nhưng sau những ngày lên rẫy về mọi người lại í ới gọi nhau quây quần bên bếp lửa nướng bánh nếp, uống rượu ngô chuyện trò vui vẻ.
Ngày đó, khi mọi người đang co ro trong cái lạnh của miền biên viễn thì bỗng nhiên có tiếng kêu thất thanh từ phía dưới bản: “Nhà cháy rồi, nhà cháy rồi”. Mọi người đổ dồn về ngôi nhà Xồng Bá Lỳ đang bốc lửa cao dữ dội để chữa cháy. Thế nhưng tất cả đều vô vọng bởi những tấm gỗ được lợp bằng sa mu nhiều dầu cứ thế theo cơn gió lan từ nhà này sang nhà khác. “Nguồn nước hiếm hoi may lắm chỉ đủ dùng để sinh hoạt nên dân bản đành bất lực. Hậu quả là 19 ngôi nhà bị thiêu rụi, không ai lấy được một đồ đạc gì. Tết năm ấy chúng tôi đành ăn củ rừng, rau rừng cho qua ngày” - Lầu Giống Xênh thở dài nói.
Sau trận hỏa hoạn ấy, nghe theo lời của các cấp chính quyền, bà con nô nức đến nơi định cư mới ở bản Huồi Khe bấy giờ. Nhưng cũng theo Giống Xênh, ở được một thời gian, vì nương rẫy còn trên kia cả, đi làm cũng cách hơn 30 km nên mọi người rất vất vả. Cuối cùng hơn 20 hộ phải di cư về nơi ở cũ tiếp tục lập bản, một số hộ lên cao hơn lập nên cụm Thặm Khớp.
“Những người dân chúng tôi quanh năm chỉ biết làm cái nương cái rẫy, rảnh rỗi thì lên rừng săn con chuột, con sóc về ăn thôi. Bây giờ sống rải rác như thế này mỗi lần có việc muốn lên thăm anh em phải đi mấy giờ đồng hồ xe máy mới tới. Đi đường rừng tuy ngắn hơn nhưng cũng phải mất hơn một tiếng. Nếu không có vụ cháy đó bây giờ mọi người đều sống yên ổn rồi” - Giống Xênh vừa nói vừa nhìn lên phía trên núi cao nơi những người bà con của anh đang sinh sống. Cái nhìn hun hút đến nhói lòng.
Tuy nhiên, anh trưởng bản cũng cho hay, những người ở lại Huồi Khe này cũng có nhiều hộ thoát nghèo nhờ đầu tư mạnh vào chăn nuôi. Vừa nói anh vừa dẫn chúng tôi vào nhà ông Xồng Nỏ Chò, một hộ được coi là giàu nhất bản “vừa nhiều trâu bò vừa có bạc nén để dành”. Nhà ông Nỏ Chò là ngôi nhà mới được lợp pro xi măng mới tinh bằng số tiền bán trâu của ông nhưng đồ đạc bên trong vẫn còn sơ sài.
Ông bảo: “Nhà ta bây giờ còn nuôi 17 con trâu, bò và mới thoát nghèo năm nay. Kinh tế thì cũng đủ ăn thôi, làm nhiều mà có biết buôn bán cho ai. Cả bản không có nổi một cái quán bán hàng, muốn mua gì cũng phải đi bộ xa thì có tiền cũng như không”.
Đàn trâu, bò của ông Nỏ Chò bây giờ muốn bán cũng chưa dám bán vì nhà ông còn mấy đứa con chưa lấy vợ, ông muốn để lại để sau này cho mỗi đứa một con làm vốn khi chúng lập gia đình. Nói là giàu nhưng bữa cơm trưa nhà ông cũng giống như bao gia đình người Mông ở bản nhỏ heo hút này, một rổ cơm, một tô nước lã và mấy cọng rau nấu canh ăn cho qua bữa. Sang lắm là con cá mặn được mua để dành khi nhà có khách.
Bóng đêm ập xuống bản nhỏ, chúng tôi ngồi bên hiên nhà Lầu Giống Xênh nghe tiếng khóc tỉ tê vang lại càng lúc càng rõ trong sự yên tĩnh. “Tiếng khóc của mẹ Xồng Y Pái đấy. Nó ăn lá ngón tự vẫn cách đây gần tháng rồi, thương lắm” - Giống Xênh nói. Chúng tôi ngỏ ý muốn được đến gia đình kia, anh liền dẫn đi ngay. Trong bếp lửa bập bùng, ông Xồng Tồng Xo nét mặt đau khổ ngồi bên người vợ đang khóc nức nở vì nhớ thương đứa con gái của mình.
Bằng vốn tiếng Kinh chữ được chữ mất ông kể lại rằng: Con gái ông là Xồng Y Pái mới vừa hơn 17 tuổi trong ngày Tết đi ném pao đã gặp một chàng trai ở bản Thăm Hín (xã Nậm Càn). Chẳng hiểu hai đứa có phải lòng nhau hay không nhưng một ngày kia ông được thông báo Y Pái đã được chàng trai nọ bắt về làm vợ.
Tổ chức đám cưới ở nhà trai xong, vợ chồng đưa nhau về ra mắt bên ngoại. Vậy mà trưa hôm ấy, Y Pái cùng mẹ đi lấy thức ăn cho bò thì tìm đến lá ngón tự vẫn. Trước lúc mất con ông còn để lại thư bảo rằng, lấy chồng không được như ý muốn nên chẳng thiết sống nữa. “Bây giờ ai trả lại con gái cho tôi chứ” – ông Tồng Xo vừa nói vừa như muốn gào lên. Chợt hình ảnh những cặp trai gái người Mông ném pao tìm người yêu ngày Tết như hiện lên ám ảnh chúng tôi day dứt mãi không thôi.
Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào chúng tôi mới chia tay bản Huồi Khe để lên đường. Phía bên kia đồi tiếng những đứa trẻ đọc bài vang lên làm lòng chúng tôi ấm cúng hẳn lên. Một ngày mới nữa lại về.