(Baonghean) - Bên cạnh phát huy nội lực, chú trọng vận dụng các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương trên địa bàn huyện Đô Lương phát động nhân dân khai thác tiềm năng đất đai, năng lực lao động... thực hiện các đề án kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang được coi là “chìa khóa” phát triển kinh tế, ...
 
Hiện tại, trên các đồng đất của huyện Đô Lương bà con nông dân đang tiếp tục chỉnh trang đồng ruộng, đẩy mạnh công tác thủy lợi, cày bừa trồng màu và chuẩn bị cho vụ Xuân. Nhằm có sự chỉ đạo sát sao, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các mùa vụ, huyện đã đánh giá về kết quả thực hiện Đề án “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản” trong 2 năm qua (từ 2012). Theo đó, diện tích lúa, diện tích đậu, rau màu, cây dâu tằm, cây nguyên liệu giấy, cải tạo vườn tạp tăng so với kế hoạch; đồng thời cây ngô, lạc lại giảm và đáng chú ý là diện tích lúa mùa giảm dần theo hướng chuyển đổi sang cây trồng cạn, diện tích lúa chất lượng cao và sản xuất giống lúa năm 2013 đạt 2.153ha/1.750ha kế hoạch (bằng 123%). Đối với chuyển dịch phát triển chăn nuôi, mặc dù có nhiều địa phương qua các kênh khác nhau đã tổ chức, khuyến khích được một mô hình, tạo chuyển biến trong chăn nuôi hướng hàng hóa, nhưng căn cứ Đề án nói trên, thì chỉ có chỉ tiêu phát triển đàn lợn thịt hướng nạc và đàn lợn nái ngoại, Móng Cái là đạt.
images912118_nu_i_l_n_h_ng_h_a___h__nguy_n_th__thu_hi_n_x_m_2_x__thu_n_son______luong.jpgNuôi lợn hàng hóa ở hộ Nguyễn Thị thu Hiền xóm 2 xã Thuận Sơn - Đô Lương.
 
Như thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Đô Lương vẫn đang phải tiếp tục, điều chỉnh mới cả về công tác chỉ đạo, hỗ trợ cụ thể và nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất cho bà con nông dân. Ông Trần Doãn Hùng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đô Lương thẳng thắn thừa nhận, lực cản chính vẫn do việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất chưa mạnh và chưa đồng bộ; các mô hình trồng trọt, chăn nuôi... còn mang nặng tính trình diễn và chậm đúc kết, nhân rộng. Bên cạnh đó một số chính quyền xã mới chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa thực sự quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trong lựa chọn xây dựng mô hình phát triển sản xuất còn nhiều lúng túng. Thực tế, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiện nay, đòi hỏi có liên kết rất lớn giữa người nông dân với nhiều dịch vụ cung ứng về giống, KHKT, vật tư... của các doanh nghiệp; nhưng chính nhận thức, trách nhiệm của chính quyền cơ sở còn bất cập đã vô hình trung “đẩy” các doanh nghiệp ra xa mục đích lợi ích gắn kết với người nông dân. Lấy dẫn chứng trong xây dựng vùng sản xuất giống lúa được quy hoạch ở 8 xã là Yên Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn, Hòa Sơn, Lạc Sơn, Xuân Sơn, Tân Sơn và Minh Sơn với diện tích hơn 1.000 ha (tính đến năm 2015); đã thực hiện từ năm 2011, nhưng đến nay sau 3 năm mới đạt 205 ha. “Qua nắm bắt thực tế thì các công ty giống yêu cầu sản xuất giống phải gieo mạ để cấy nhưng người dân không chịu, chính quyền các xã lại không mặn mà, thiếu biện pháp chỉ đạo nên các công ty giống đều...lặng lẽ rút lui dần” – ông Hùng cho hay.
 
Tìm hiểu ở một số xã, chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn trong lập kế hoạch và chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tại xã Xuân Sơn, ngoài xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giống AC5 với khoảng 100 ha (trên tổng diện tích 315 ha) thì người dân vẫn còn nặng tập quán sản xuất cũ, và thêm một khó khăn lớn nữa là công tác dồn điền đổi thửa tiến hành chậm, hiện mỗi hộ đang còn canh tác trên 4-5 thửa. Khi được hỏi về giải pháp cụ thể trong đẩy mạnh thực hiện hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo Đề án của huyện, ông Nguyễn Đình Thu – Phó chủ tịch phụ trách kinh tế xã Xuân Sơn cho hay, xã tập trung chủ yếu cho mũi chăn nuôi, đã tạo điều kiện về vốn, cho thuê đất để các hộ nông dân có năng lực xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa và phát triển diện tích ao hồ đập để nuôi trồng thủy sản, tăng diện tích trồng cỏ để đẩy mạnh chăn nuôi bò... Tuy nhiên, cho đến nay cả xã Xuân Sơn cũng mới chỉ có 7 trang trại chăn nuôi lợn, gà còn việc phát triển nuôi trồng thủy sản trồng cỏ để chăn nuôi bò vẫn “chưa thực hiện tốt.
 
Tại xã Thuận Sơn, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng có rõ hơn, nhờ có quỹ đất và thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, hiện tại trung bình mỗi hộ canh tác trên 1,3 thửa và nhân dân rất ý thức trong việc đầu tư cải tạo đồng đất, bờ vùng bờ thửa, nhiều hộ đã tự bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê máy về cải tạo mặt bằng sản xuất. Xã cũng đã quy hoạch các vùng trồng cây dưa hấu ở vùng đồng Lở và vùng di dân 2 xóm 1 và 2 với mỗi vùng 4 ha, nhưng khó khăn là những năm gần đây đầu ra cho dưa hấu kém và cây dưa gặp bệnh bị cằn dần không phòng chữa được. Tuy thế, Thuận Sơn đang có kết quả với việc chuyển đổi từ cây khoai lang sang cây bí đỏ ở vụ đông với diện tích 20 -30 ha hàng năm.
 
Ông Nguyễn Như Bốn – Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Thuận Sơn cho biết: “Cây bí đỏ vụ đông ở Thuận Sơn đang cho thu nhập tốt với khoảng 20 triệu đồng/1ha; các hộ trồng trung bình mỗi hộ 5 sào, đã có thu 5 triệu đồng chỉ trong 3 tháng trong khi chi phí cực ít, chủ yếu chỉ là công làm”. Cũng theo ông Bốn thì Thuận Sơn đang mạnh dần lên phong trào chăn nuôi lợn hàng hóa quy mô đàn hộ, hiện cả xã đã có khoảng 20 hộ nuôi 70 – 150 con/năm. Chúng tôi đến thăm hộ chăn nuôi Nguyễn Thị Thu Hiền ở xóm 2 Thuận Sơn, được chị cho biết, vợ chồng chị chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang quy mô đàn từ năm 2006, chỉ năm 2010 do giá lợn thị trường “xuống dốc” là lỗ, còn lại đều cho lãi. 2 năm qua mỗi năm chị nuôi khoảng 150 con, xuất bán 3 lứa, cho thu lãi gần 100 triệu đồng/năm; chị còn nuôi mấy lợn nái đẻ, nên gần như khép kín quy trình chăn nuôi. 
 
Để thực hiện Đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều xã ở Đô Lương vận dụng các kênh chương trình, dự án để xây dựng mô hình sản xuất phù hợp điều kiện địa phương mình; trong đó, phải kể đến các mô hình do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện, tập trung sản xuất theo hướng VietGap. ... Tuy nhiên, như bà Nguyễn Thị Hạnh – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Đô Lương chia sẻ, thì phần lớn các mô hình có hiệu quả, nhưng do người dân thiếu vốn đầu tư và nhiều nơi địa phương thiếu sự quan tâm nhân rộng mô hình, nên kết quả mô hình chậm hoặc không được phát huy. 
 
Như vậy, việc thực hiện Đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đang thiếu tính bền vững mà nguyên nhân một phần do trách nhiệm của chính quyền các cấp, đang là thách thức lớn nhất cho mục đích đẩy lên thành phong trào sản xuất mới ở Đô Lương; nghĩa là chiếc “chìa khóa” ấy vẫn chưa mở được cánh cửa phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương này.  
 
Bài, ảnh:Đình Sâm