(Baonghean) - Sau nhiều năm chuyển đồng bào Mông về sinh sống tại Khu kinh tế mới Minh Châu (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong), đời sống của người dân nơi đây đang thay da, đổi thịt từng ngày. Ký ức Những ngày tháng sống nay đây mai đó và luôn ở trong  nghèo đói đang lùi xa vào dĩ vãng...
 
images911831_3a.jpgBà con bản D1, Minh Châu chăm sóc mía.
 
Từ Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), con đường nhựa phẳng lỳ dài 30km chạy thẳng lên đến Khu kinh tế mới Minh Châu có cảm giác ngắn hơn ngày trước rất nhiều. 2 bên đường không còn cảnh những bụi cây, những khu đất hoang vắng nữa mà thay vào đó là những mái nhà thấp thoáng màu ngói, khói bếp bay lên báo hiệu mùa no ấm. Phải nói rằng, bây giờ Minh Châu đã khác ngày xưa rất nhiều. Nhớ lại những ngày bắt đầu thực hiện chủ trương đưa đồng bào Mông về định cư ở khu kinh tế Minh Châu, Phó bí thư Đảng uỷ xã Tri Lễ Đàm Thiên Thương tâm sự: “Lúc đầu về, người dân chưa quen nơi ở mới, cộng với nước tưới tiêu còn thiếu bởi đập Kẽm Ải chỉ cung cấp đủ cho 10 bản trong xã nên nhiều hộ xuống nơi mới lại trở về nơi cũ. Cán bộ huyện, ban phát triển nông thôn miền núi, cán bộ xã phải cùng ăn, cùng ở với bà con rồi vận động, tuyên truyền để đồng bào hiểu rõ vùng Minh Châu là vùng có tiềm năng thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, buôn bán và con cái ăn học được đàng hoàng... Vì thế, bà con mới dần dần hiểu ra và muốn được sinh sống lâu dài”.
 
Tuy nhiên, làm sao cho đồng bào thoát nghèo, không còn phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của nhà nước mới quan trọng. “Trăn trở lớn nhất của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là làm sao nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển sinh kế bền vững. Có như thế thì người dân mới  thay đổi tập quán du canh, du cư và ở lại gắn bó với quê hương, bản quán. Thấy đất Minh Châu có khả năng trồng mía, xã mạnh dạn ký kết với Nhà máy Mía đường Tate&Lyle trồng thử nghiệm  4,5 ha mía tại bản D1” - ông Đàm Thiên Thương chia sẻ. Nhưng một chuyện mới nảy sinh là làm sao để thuyết phục nhân dân trồng không phải là chuyện đơn giản. Vì người Mông không hề biết kỹ thuật trồng mía là như thế nào. Hơn nữa, tư tưởng của người dân lúc đó chưa yên nên công tác vận động, tuyên truyền phải làm quyết liệt. 
 
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Đảng ủy, chính quyền Tri Lễ thành lập ban chỉ đạo giúp nhân dân trồng mía. Nhiều đêm liền, lãnh đạo xã, cán bộ 30a, bí thư chi bộ, trưởng bản trực tiếp tiến hành vận động, phân tích hiệu quả của cây mía. Theo đó, nhà máy mía đường cho bà con vay 13,5 triệu và hỗ trợ 5 triệu đồng; huyện hỗ trợ tiền khai hoang 5 triệu đồng/ha; xã trích nguồn sự nghiệp hỗ trợ 3,7 triệu/ha. Người dân chỉ phải vay thêm vốn từ Ngân hàng CSXH huyện 10  đồng triệu để đầu tư. Gia đình anh Lỳ Bá Chống, bản D1 là một trong những hộ mạnh dạn tham gia trồng mía.  Anh Chống kể: “Lúc đầu bà con đăng kí trồng mía nhiều nhưng rồi cũng bỏ cuộc cả. Ai cũng sợ thất bại, lại ôm món nợ vay ngân hàng. Khi đó, chỉ còn 5 người trong bản kiên quyết trồng mía đến cùng. Như gia đình tôi năm ngoái mạnh dạn trồng 8.600m2. Vừa rồi thu hoạch, gia đình đạt gần 30 tấn mía, với giá mía 80 thì gia đình thu về gần 25 triệu đồng. Chắc chắn tết có đủ rượu thịt để ăn tết rồi”.
 
Nhờ được sự giúp đỡ của Đồn biên phòng, Đoàn thanh niên và cán bộ xã nên diện tích 4,5 ha mía tại Minh Châu đạt sản lượng 175 tấn, trung bình là 38 tấn/ha. Tháng 12 vừa qua, Công ty Mía đường Tate&Lyle lên thu mua mía mà ai cũng phấn khởi vì không ngờ rằng, cây mía lại thích hợp và cho năng suất cao trên vùng đất Tri Lễ đến như thế. Ông Lỳ Nỏ Pó, bản D1 cười tươi rồi nói: “Đảng và Nhà nước đã hướng dẫn cho mình xây dựng cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, mình luôn ủng hộ các chủ trương mới, trong đó có trồng cây mía nguyên liệu. Ban đầu bỡ ngỡ, làm nhiều rồi cũng sẽ quen và đến khi thu hoạch thì năng suất rất cao nên ai cũng vui mừng cả. Năm sau tôi sẽ tiếp tục trồng mía”. Chắc hẳn rằng, ông Pó luôn muốn quên đi quá khứ suốt ngày phá rừng làm rẫy, rẫy bạc màu lại đi tìm vùng đất mới. Năm này qua năm khác cứ đi như những cánh chim trời. Bây giờ, Nhà nước tạo điều kiện cho ở định cư, hỗ trợ phát triển kinh tế, con cháu được học hành, chữa bệnh...
 
Khi người dân tin tưởng vào cán bộ, vào những chủ trương của Đảng và Nhà nước mang lại cho mình, xã Tri Lễ bắt đầu đưa cây chanh leo vào trồng tại bản D1 với diện tích gần 2 ha. Nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây chanh leo bước đầu đã đem lại thu nhập cho người dân tại 2 bản mới này. Gia đình anh Lỳ Bá Chài mới về ở tại bản D1 đầu năm 2012. Sau khi được chia đất, gia đình anh mạnh dạn trồng hơn 5 sào chanh leo. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh thu về được 6 triệu đồng. Anh Chài cho biết: “Từ ngày về ở bản mới, nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã nên đời sống của gia đình đã không còn khó khăn như trước nữa. Bây giờ, vợ chồng ở nhà chăm sóc diện tích chanh leo và mía là có thu nhập ổn định rồi”. 
 
Không chỉ cây mía, chanh leo, nhiều gia đình còn phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, buôn bán. Như gia đình ông Lỳ Tông Xúa, ban đầu nhờ được dự án hỗ trợ lãi suất thấp để mua bò, hỗ trợ giống trồng cỏ phục vụ nuôi gia súc nhốt chuồng. Sau hơn 3 năm, đàn bò của gia đình ông đã có trên 5 con. Gia đình Lỳ Tông Xúa là hộ đứng đầu Minh Châu về chăn nuôi bò nhốt. Một số hộ như anh Lỳ Xái Lỳ mở cửa hàng buôn bán ở chợ Tri Lễ và đang đưa cuộc sống thoát khỏi đói nghèo. Bây giờ, 120 hộ đồng bào Mông tại 2 bản Khu kinh tế mới Minh Châu đang có cuộc sống ổn định. Hiện tại D1, D2 đã có trường mầm non, tiểu học đầy đủ, các cháu học sinh được đến trường mà không phải theo cha mẹ lên nương rẫy như ngày xưa. Ông Lô Xuân Thu Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: So với 2 năm trước thì đời sống của đồng bào tại Minh Châu đã thay đổi rõ nét. Người dân đã khai hoang được 8 ha lúa nước, sản xuất được 2 vụ. Điều mà chưa bao giờ họ nghĩ đến. Cái ăn, cái mặc đầy đủ, các cháu được học hành đàng hoàng. Và bây giờ, họ đang cố gắng phát triển kinh tế của gia đình để cuộc sống ngày càng ổn định.
 
Chia sẻ niềm vui với ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện về những đổi thay của đồng bào Mông tại Khu kinh tế mới Minh Châu, ông Thi cho biết, sau 12 năm có chủ trương xây dựng khu tái định cư cho đồng bào Mông tại Tri Lễ thì đến nay, những thành công, kết quả tốt đẹp đã được chứng minh rõ nét. Kinh tế đang từng ngày khởi sắc, giao thông đi lại thuận tiện, con cái được học hành đầy đủ. Thế nhưng, sự đầu tư của Nhà nước cho Khu kinh tế mới Minh Châu vẫn đang còn dang dở. Vì thế, bà con đang còn thiếu thốn nhiều bề như nước sạch, đất rừng, hệ thống thuỷ lợi để khai hoang lúa nước... Vì vậy, mong muốn của huyện, xã là Nhà nước tiếp tục có chính sách quan tâm, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để đồng bào Mông  ở Minh Châu nói riêng và Tri Lễ nói chung thoát đói nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Phạm Bằng