(Baonghean) - (Trích phát biểu của đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014  của Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An)
 
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của hội doanh nghiệp tiêu biểu nghệ an, đồng chí hồ đức phớc - Bí thư tỉnh ủy đã có bài phát biểu quan trọng. đồng chí bí thư đặc biệt tin tưởng vào tinh thần đoàn kết, cộng sự của cộng đồng doanh nghiệp góp phần đưa nghệ an tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
 
Năm 2013, Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ với những chỉ tiêu cơ bản như tăng trưởng kinh tế trên 7%, tăng trưởng tài chính ngân hàng 28,8%, thu ngân sách 6.500 tỷ đồng, đứng đầu Bắc Trung bộ; thu hút đầu tư, văn hóa, xã hội, huy động nguồn lực đạt kết quả tương đối tốt.
images912091_chuy_n_b_t_d__tr_ng_xu_t_kh_u_t_i_c_ng_c_a_l___nh___nh_nh_t.jpgXuất khẩu bột đá trắng tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Đình Nhật
 
Năm qua, BTV Tỉnh ủy đã làm một việc hết sức có ý nghĩa, đó là đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An đến năm 2020. Trong tất cả các nghị quyết, hiện nay Bộ Chính trị mới ban hành 5 nghị quyết cho 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong 57 tỉnh, thành trong cả nước, Nghệ An là tỉnh đầu tiên và cũng là tỉnh duy nhất được ban hành nghị quyết, đây cũng là niềm vinh dự mà Bộ Chính trị quan tâm đến tỉnh quê Bác và cũng là một định hướng, chìa khóa, nền tảng để chúng ta phát triển trong tương lai.
 
Để thực hiện tốt Nghị quyết 26, trách nhiệm trước hết đặt lên vai của lãnh đạo tỉnh, sau đó là hệ thống chính trị và doanh nghiệp. Bởi tỉnh làm nhiệm vụ vạch ra chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tạo ra cơ chế, chính sách và nền tảng khác như cơ sở hạ tầng, môi trường để doanh nghiệp phát triển, còn để làm ra của cải vật chất là do doanh nghiệp và nhân dân. Đặc biệt, để làm ra được sản phẩm chất lượng tốt, chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế là phụ thuộc vào tài năng của các doanh nghiệp. Hiện nay bộ máy hành chính của chúng ta đang sống bằng ngân sách nhà nước, tức là bằng tiền đóng thuế của doanh nghiệp là chính. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị và doanh nghiệp là phải gắn kết để đưa Nghệ An phát triển.
 
Trong khi cơ sở hạ tầng còn thấp thua, có những điểm nghẽn, nếu chúng ta không làm tốt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cán bộ thì rất khó để đưa Nghệ An phát triển. Vấn đề tư tưởng và tập quán cũng hết sức quan trọng, làm thế nào để tất cả mọi người đều hướng vào một mục tiêu chung, đoàn kết, ủng hộ nhau, tạo được đường băng để phát triển. Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định Nghệ An đến năm 2020 trở thành một tỉnh khá của miền Bắc, cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và là một trung tâm kinh tế trên bảy lĩnh vực của khu vực Bắc Trung bộ. Đó là mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Nhưng đạt được mục tiêu đó thì phải có sự tăng trưởng cao. Bây giờ nếu so với một số tỉnh khu vực Bắc Trung bộ thì cơ sở hạ tầng cũng như đô thị, mặt bằng sống của dân cư chúng ta có thể tốt hơn, nhưng nếu không có tăng trưởng cao, thu ngân sách tăng lên để lấy thu bù chi và có GDP theo đầu người trên mức bình quân của Trung ương (1.500 đô la) thì sẽ rất khó khăn, bởi hiện nay Nghệ An mới chỉ đạt mức 1.100 đô la.
 
Để phát triển, phải tập trung thu hút đầu tư. Nếu không thu hút đầu tư tốt, không thu hút nhiều nguồn vốn, tạo các công trình, dự án và việc làm cho các doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ rất khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, xây lắp, tiêu dùng đều sẽ gặp khó. Hiện nay, ngân sách nhà nước khó khăn nhưng Nghệ An đang tập trung thu hút đầu tư bằng nhiều nguồn vốn. Năm 2014, tỉnh Nghệ An sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Trung ương gấp hai lần của năm 2013. 
 
Những dự án trọng điểm như cơ chế, chính sách phát triển vùng miền Tây Nghệ An được Chính phủ hỗ trợ tăng thêm nguồn vốn 30%, giáo dục, y tế được tăng thêm gần 1 nghìn tỷ đồng và một số công trình trọng điểm của tỉnh. Tới đây, tỉnh sẽ tiến hành khởi công một số công trình. Trước mắt, ngày 18 này sẽ khởi công cầu Dùng (Thanh Chương); trước ngày 19/5 khởi công cầu vượt khoảng 300 tỷ đồng và cầu vượt Yên Lý, đồng thời mở rộng Quốc lộ 15A ra 9m, mở rộng Quốc lộ 7 bằng hình thức BOT nhưng đề xuất với Chính phủ không đặt trạm vé ở Quốc lộ 7 mà kéo dài thời gian thu trạm vé ở Quốc lộ 1 để cả nước chia sẻ với Nghệ An để chúng ta có thể làm được một số tuyến đường trọng yếu như Quốc lộ 7, Quốc lộ 48, Quốc lộ 15, đường Vinh - Cửa Lò, đường ven biển, cầu Bến Thủy 3 và một số hệ thống cầu vượt. Riêng nguồn vốn ODA hiện nay chúng ta đã có 15 nghìn tỷ đồng của 26 dự án ODA. Vấn đề là các cơ quan hành chính nhà nước triển khai làm sao để dự án ODA giải ngân nhanh. Chẳng hạn như dự án nâng cấp đô thị Vinh 2.500 tỷ đồng hiện nay đang làm kênh bắc và các khu tái định cư, sắp tới làm hồ sinh học và một loạt công trình khác… Hay dự án JICA cho nâng cấp Thủy lợi Bắc Nghệ An 5.700 tỷ đồng, dự án ngăn mặn giữ ngọt ven sông Lam khoảng 3.000 tỷ đồng. Nếu giải ngân được 15 nghìn tỷ đồng này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn, tạo  việc làm, tạo tiêu dùng lớn hơn từ đó tạo sự tăng trưởng.
 
Có thể nói, Hội Doanh nghiệp tiêu biểu hiện đang tập trung những doanh nghiệp địa phương mạnh nhất trong toàn tỉnh với trên 150 doanh nghiệp, hội viên, chưa kể hàng trăm doanh nghiệp, hội viên danh dự, hội viên liên kết trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng các doanh nghiệp tiêu biểu sẽ đoàn kết, cộng sự tốt, chung tay, góp sức cùng với lãnh đạo tỉnh bứt phá đưa Nghệ An phát triển, trong đó có sự phát triển của doanh nghiệp.
 
---------------------------------------------
 Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.