Cha ông ta ngày trước Cách mạng tháng Tám (1945), đời này đến đời khác đều dạy con phải ăn ở hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăng chữ hiếu là một đức tính và là một đặc tính để phân biệt giữa con người và con vật. Mẹ thương con, điều đó con người và con vật đều có nhưng con thương mẹ thì chỉ con người mới có. Đến chế độ phụ hệ thời phong kiến, thì con không chỉ thương mẹ mà còn "phải" thương cha. Lễ giáo quy định "hiếu" là theo chiều từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng định nghĩa về chữ hiếu. Làm người không những phải hiếu với cha mẹ mà còn phải hiếu với nhân dân. Theo Bác Hồ, trong nhân dân có cha mẹ của mình. Nhân dân là người, trong đó có cha mẹ mình. "Trên có trời, dưới có đất, ở giữa có người", nhân dân là người, hiếu với cha mẹ tất yếu phải hiếu với nhân dân. Cũng như ngày trước cha ông ta dạy trung với vua, nhưng Bác đã dạy trung với nước. Bác đã gắn liền hiếu với trung. Là một sự hiển nhiên, một lô-gic tất yếu, chấp nhận "hiếu" thì phải chấp nhận "trung". Chưa bao giờ, người con có "hiếu' mà lại tôi bất "trung" được. "Trung" và "hiếu" trở thành một cặp song sinh đạo đức - chính trị. "Hiếu" là "trung" được thu hẹp, "trung" là "hiếu" được mở rộng.

Theo lời dạy của Người, biết yêu thương cha mẹ thì đồng thời cũng phải biết thương yêu nhân dân, yêu nhà gắn liền với yêu nước. Người dạy cán bộ, chiến sĩ, thanh niên và thiếu niên phải "trung với nước, hiếu với dân". Làm cách mạng là để phục vụ nhân dân, "việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Suốt cả cuộc đời làm Chủ tịch nước, Bác Hồ chăm lo rèn luyện cán bộ, chiến sĩ và thanh niên phải đấu tranh tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân, phải kiên quyết bài trừ bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Những thói hư "giả dối", "chủ nghĩa hình thức", "chủ nghĩa thành tích", "danh vị ngôi thứ, tiền bạc"... theo Bác đều là trái với chữ hiếu, chữ trung!

Bác Hồ, một người cao tuổi mẫu mực của Việt Nam, có lần phát biểu: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc tập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì chỉ làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

Trong khi kết cấu của xã hội phương Tây là cá nhân - xã hội, thì ở phương Đông vẫn là cá nhân - gia đình - họ hàng - làng nước, ý thức huyết thống rất bền chặt. Chữ "hiếu" và chữ "trung" trong tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh càng sáng ngời lên. Truyền thống - hiện đại, phương Đông - phương Tây thống nhất tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh: "Tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân". Một học giả nước ngoài đã nhận xét: "Cụ Hồ đúng là một kiểu người Việt Nam gắn bó với quê hương, mang nặng tinh thần gia đình, quan tâm đến mùa màng và hết lòng vì tập thể... Cụ Hồ nổi lên như là người Á châu nhất của Á châu, nhưng lại là người đã dễ dàng tiếp xúc nhất với tinh thần của Âu châu". (*)

(*) Theo Tạp chí Văn hiếnViệt Nam, số 5 (49) 2005


Hà Văn Tải