>> Kỳ I: Về Vinh
>> Kỳ II: Những người tâm huyết

Buổi nói chuyện của tôi đã không diễn ra. Mấy anh em bàn nhau, hỏi ý kiến các bậc cao niên đáng kính đã chuyển thành cuộc gặp mặt trao đổi quanh chủ đề Quá khứ hào hùng và xây dựng vùng Di tích Lịch sử - Văn hoá đặc biệt Trường Thi - Bến Thuỷ. Anh Chế lấy xe máy đón tôi chở đến nhà anh Thanh Đồng. Nhà anh ở khối 8 phường Trường Thi.

762767_small_49239.jpg
Vừa đi vừa hỏi, tôi không nhớ đường tự cười cái sự dớ dẩn của mình. Tôi vẫn khoe với bạn hữu rằng một anh lính trinh sát như tôi, lúc lắc bên mình tấm bản đồ quân sự Vinh - Bến Thuỷ thì không chỗ nào tôi không tỏ tường. Tôi nhớ vị trí của từng cái giếng cổ, giếng khơi nước trong vắt trong và ngọt hơn nước mưa của Vinh. Thế mà giờ đây như một tay lang bạt lơ ngơ, hỏi đường mà thấy tự xấu hổ trong lòng. Từ khi anh Thanh Đồng chị Bông xây nhà, có số hẳn hoi, nơi ở thành phường tôi đã đến mấy lần vậy mà vẫn quên. Có lẽ do Vinh thay đổi nhanh quá còn trong trí nhớ của tôi phần khói bom nó làm cho mù mờ vẫn hiện lên lồ lộ một khu địa bằng, chỉ toàn cát là cát với một mương nước nông sờ.

Anh Thanh Đồng đang ốm, chị Bông vợ anh ra mở chiếc cổng sắt nhỏ, với mấy thanh sắt được hàn đơn sơ. Người phụ nữ quê Quảng Bình với vầng trán rộng, miệng tươi, dáng thấp đậm rất thân quen với tôi lởi sởi :

- Anh ốm chú ạ. Chú vô khi mô ? Anh đâu cột sống chú ơi ! Nghe tiếng gọi anh bảo tui : “Tiếng chú đó” mà chưa dậy được, giục tui ra. Bữa qua thằng cháu Hải đưa ba đi khám họ còn nói u tiền liệt tuyến nữa. Chả thấy ông lo lắng chi, ông bảo đến cái tuổi bịnh rồi, kệ hắn. Đang chớp thời gian đọc và viết. Ơ … hai chú vào nhà đi.

Anh Đồng để râu dài, tóc bạc trắng vẫn dựng lên ở trước trán. Đến nhà lấn nào có các cháu thì cung kính gọi bằng bác xưng em còn nếu chỉ có hai ông bà thì vẫn gọi là anh chị xưng em gần gũi thân thiết như ngày nào.

Anh Đồng sửa tư thế ngồi ngay ngắn, nhìn anh cái vẻ ốm yếu bay đâu mất. Lại thấy hiện lên tư thế Tổng biên tập một tờ báo rồi sau là Phó Trưởng phòng Tuyên huấn quân khu.

- Chú chuyển từ một người thuyết trình sang buổi họp mặt trao đổi là trúng đó. Công việc của nhiều người, trí tuệ của nhiều người, ước nguyện của nhiều người. Một vài người thì có thể để nước chảy bèo trôi, cho qua, hay là quên lãng song là người Vinh, người xứ Nghệ thì không khi mô quên được phải không hai chú. Anh cười nhỏ nhẹ chuyển giọng : 

- Chú thấy Vinh thay đổi có nhanh không ? Tôi thấy Vinh từ hoang tàn vươn lên đứng dậy còn nhanh hơn cả Phù Đổng. Mười năm sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước còn lúng túng dò tìm. Còn hơn hai mươi năm sau đổi mới thì Vinh rộng lớn từng ngày. Hiện đại lên từng tháng, từng năm. Nhưng phải cảnh báo chú ạ. Người ta vin cớ dựng xây quên đi, rồi vì lợi ích trước mắt của một vài người, có thể một nhóm người xoá đi những dấu tích của một thời cách mạng, một thời bom lửa. Báo chí phải lên tiếng, văn nghệ phải lên tiếng, cái tiếng cất lên của báo chí, của văn học nghệ thuật khi nào cũng thay mặt cho dân, cho văn hoá, cho những gì còn tồn tại lâu bền. Không nói đâu xa cái Quán Lau còn tồn tại từ thời Trường Thi vừa mới rồi cũng có một dự án định nuốt mất.

Cả tôi và anh Chế đều như vươn dậy. Tôi ngồi bên anh không dấu được niềm vui.

- Dấu tích của nhà máy xe hoả Trường Thi hả anh ? Anh ơi, hồi Vinh đang chiến đấu em dẫn anh em trinh sát đi tìm những trận địa dự bị phòng khi trận địa chính bị đánh ác liệt có chỗ cơ động, đã lội khắp khu Trường Thi để tìm vị trí Nhà máy Sửa chữa xe lửa Trường Thi mà không xác định thật chính xác được.

Anh Đồng cười vui, từ lúc đến nhà mới thấy anh cười như thế, nhìn mặt anh tôi biết anh phải nén đau :

- Chú biết từ Bắc vô Vinh gặp Quán Hành trước, rồi Quán Bầu, Quán Bánh, xuống gần bến Thuỷ lại có Quán Gió. Đi về phía Cửa Đông thì gặp Quán Lau. Quán Lau chính là vị trí của Nhà máy xe lửa Trường Thi. Ở đây có Chợ Bắc Kỳ. Cái tên nghe hơi lạ, khiến người mới nghe tò mò tìm hiểu. tôi có đọc một số tài liệu, hiểu ra thì hắn như thế này. Quán Lau - Chợ Bắc Kỳ hai địa danh riêng thành ra như một tên ghép. Theo các tài liệu đáng tin cậy thì sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) chính quyền đô hộ Pháp mở rộng khai thác Đông Dương. Vinh - Bến Thuỷ trở thành đô thị  công nghiệp lớn nhất Bắc miền Trung và Trung Lào.

Tôi có đọc một tài liệu do giám đốc thư viện tỉnh Nghệ An cung cấp trong đó có những số liệu đáng tin cậy như sau : Một số thống kê cho thấy số công nhân tại Vinh - Bến Thuỷ trong thời gian trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là trên dưới 8000 người.

Mặc dù số lao động ở từng nhà máy thống kê không cùng thời điểm, có sự xê dịch thời gian ít nhiều nhưng nhìn chung tổng số lao động ở Vinh - Bến Thuỷ thường ở khoảng 7000 người. Số lượng này gần sát với thống kê trong niên giám của người Pháp. Tỷ lệ lao động của công nhân ở các lĩnh vực như sau :

- Công nhân lĩnh vực giao thông vận tải : trên 3500 người chiếm khoảng 50%

- Công nhân trong lĩnh vực chế biến lâm - thuỷ sản và sản xuất diêm : khoảng gần 2500 người chiếm khoảng 30%

- Công nhân các hãng buôn và những nhà máy khác còn lại : khoảng 1000 người chiếm 14%

Theo thống kê trên đến năm 1925 khu công nghiệp Trường Thi - Bến Thuỷ đã có 25 nhà máy, xí nghiệp và 35 công ty thương mại của người Pháp, Người Việt, người Hoa.

Thống kê trên còn cho thấy rằng ở Vinh - Bến Thuỷ thời kỳ này đã có đội ngũ công nhân đại công nghiệp (theo cách phân định của Cac Macx). Lực lượng công nhân này tập trung đông đảo nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải. trong đó công nhân cơ khí giao thông chiếm số đông trong sở Hoả xa quận I (Hoàng Mai, ngọc Lâm) Nhà máy Sửa chữa xe lửa Trường Thi và xưởng Đề Pô. Nhà máy Sửa chữa xe lửa Trường Thi thành lập năm 1908 khi đó có 3700 công nhân.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất nhà máy được hiện đại hoá, các máy móc tối tân được đưa từ Pháp qua, thay thế lao động thủ công. số công nhân giảm xuống còn 1700 người. Xưởng Đề Pô trong ga vinh có 400 công nhân ngoài ra còn có 550 công nhân cơ khí sửa chữa ô tô trong các hãng tư nhân người Pháp, người Việt, người Hoa ở ba cơ sở đại tu : Phạm Văn Phú, Bạch Thái Đào và xưởng Xa Ma Nan.

Bộ phận công nhân hình thành sớm nhất ở Vinh - Bến Thuỷ thuộc lĩnh vực chế biến lâm sản và sản xuất diêm. Bộ phận công nhân chế biến lâm sản bắt đầu xuất hiện năm 1897 khi công ty Lâm sản và Thương mại Trung Kỳ xây dựng nhà máy cưa và xưởng chế biến gỗ. Năm 1904 nhà máy có 7 người Âu và 400 người Việt. Nhà máy cưa Lao Xiêng thuộc công ty Lào khi mới hình thành có 3 người Âu và 60 người Việt. Nam 1922 Công ty Lâm sản và Diêm Đông Dương (gọi tắt là SIFA) lập nhà máy cưa XI RI có 300 công nhân. Nhà máy cưa Ba Đình có 100 công nhân. Nhà máy cưa Thái Hợp có 120 công nhân. Nhà máy cưa A Đri A Tích (Adriantich) có 500 công nhân. Ngoài số làm việc tại nhà máy cưa, tại Vinh - Bến thuỷ có khoảng 750 công nhân làm việc tại nhà máy diêm của XI FA.

Cũng tài liệu trên có nhận xét như sau : “Đại bộ phận các công nhân làm việc trong các nhà máy tại Vinh - Bến thuỷ đều xuất thân từ nông dân mấy huyện xung quanh và gần thành phố Vinh. Riêng trường hợp Nhà máy xe lửa Trường Thi thì lực lượng lao động đông đảo công nhân là người dân Bắc Kỳ được điều vào làm tại đây. Số người này được tuyển từ trường Bách nghệ, các trường kỹ thuật ở Hà Nội và vùng xung quanh.

Những người thợ cưa và thợ mộc chuyên nghiệp được tuyển dụng là những thợ thủ công nổi tiếng ở các huyện lân cận như thợ mộc ở Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh, thợ mộc, thợ nề làng Vang, Hưng Nguyên, Nghệ An.

Một hồi ký của công nhân Vinh - Bến thuỷ ghi lại : “Không có ruộng đất để sản xuất bà con nông dân ở xung quanh vào làm công nhân, vào làm thợ nhà máy rất đông. Làng Yên Dũng Hạ và phố Đệ Cửu không gia đình nào không có người làm công trong nhà máy. Có gia đình cha mẹ vợ con đều là công nhân trong nhà máy Diêm.

Có thể nêu trường hợp làng Yên Dũng nơi Pháp chọn đặt nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi để chứng minh sự gắn bó giữa công nhân và gia đình họ, gắn bó với văn hoá làng. Làng Yên Dũng có 1300 mẫu ruộng. Năm 1902 Pháp lấy 102 mẫu đất để xây dựng nhà máy. Năm 1918 lại lấy thêm 300 mẫu để làm sân bay. Năm 1929 lấy tiếp 300 mẫu. Ngoài ruộng nhà chùa 40 mẫu, ruộng địa chủ 300 mẫu, diện tích còn lại khồng đầy 300 mẫu.

Dân các làng quanh Vinh - Bến Thuỷ đổ vào thành phố trở thành công nhân. Niên giám kinh tế đông Dương thuộc pháp (Từ năm 1923 đến năm 1929) cho biết : Cho đến năm 1929 Vinh - Bến Thuỷ có khoảng trên 7000 công nhân. So với dân số Nghệ An lúc bấy giờ là 1.016.000 người thì số công nhân chiếm khoảng 7%. Nhưng nếu so sánh với dân số thành phố Vinh - Bến Thuỷ khoảng 18.000 người thì thì lực lượng công nhân chiếm 38% (Xin nhắc lại là lực lượng công nhân chiếm tới 38% dân số). Nếu so sánh với Đà Nẵng, Quảng Nam có số công nhân vào loại đông nhất Nam Trung Kỳ có khoảng 4.600 người. Số này không đông bằng Vinh, không ở tập trung mà ở rất rải rác cả ở Hội An, cả mỏ vàng Bồng Miêu và các đồn điền.

Trở lại cái địa danh Quán Lau và cái tên Ghép Quán Lau - Chợ Bắc Kỳ có thể nghĩ rằng chợ ấy phục vụ chủ yếu 3.700 công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, hoặc có thể là hầu hết trong số trên dưới 8.000 công nhân Vinh - Bến thuỷ (Con số niên giám của Pháp là trên 7000 công nhân). đời sống công nhân công nghiệp trông vào đồng lương còm cõi. Sáng ra chợ ăn quàng xiên lót bụng. Bữa cơm trưa, cơm chiều thì ăn cơm đầu ghế mà ngày nay gọi là Cơm bụi. Có tính chất tập trung tự nhiên cơ học người công nhân công nghiệp ở Quán Lau - Chợ Bắc Kỳ.

Các nhà lãnh đạo cách mạng đã nhạy bén nắm bắt được tính chất gắn bó với nông dân (Vợ con, gia đình, chòm xóm) tập trung lực lượng công nhân đông đảo, có trình độ giác ngộ nhất định để tuyên truyền tập hợp lực lượng. Anh Thanh Đồng nhìn tôi và anh Chế, ánh mắt tinh nhanh cho biết: Ngay vị trí Quán Lau cho thấy tầm nhìn nhạy bén của lãnh đạo phong trào Xô Viết. Từ các hướng đường số 1, nông dân Nghi Lộc, Diễn Châu đổ về, từ Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương chảy vô theo hướng cửa Tây, từ Bến Thuỷ lên có dân Nghi Xuân, Đức Thọ và cuộc tập hợp lực lượng lịch sử thành cuộc mít tinh khổng lồ ngày mùng 1 tháng 5 năm 1930, lần đầu tiên liên minh Công - Nông xuất hiện thành lực lượng cách mạng to lớn kéo về Bến Thuỷ nơi có nhà máy diêm XI FA và nhiều xí nghiệp, nhà máy khác diễn thuyết, mít tinh, đòi quyền sống, treo cờ Đảng trên cột đèn tại ngã ba. Thực dân Pháp đàn áp thẳng tay, nổ súng bắn chết hai anh Trần cảnh Bình và Nguyễn Đôn Nhân. Sự nổi dậy của quần chúng, tính chất vũ trang, sự sống còn trong đấu tranh đòi độc lập, tự do, dân chủ được chứng minh ngay trong cuộc biểu tình Công – Nông vĩ đại này.

Anh Thanh Đồng nhìn thẳng vào hai chúng tôi :

- Nói xây dựng truyền thống Vinh - Bến Thuỷ phải nói từ Xô Viết 1930 – 1931. Vinh bây giờ là thành phố loại I, nay mai sẽ càng phát triển rộng lớn hơn cả về diện tích và tầm ảnh hưởng với cả Bắc miền Trung và lối đi ra biển của cả vùng Trung của nước bạn Lào. Vì vậy cần khẳng định vị trí của Trường Thi - Bến Thuỷ mà dấu tích còn lại trên thực địa thì Quán Lau có thể coi là duy nhất. Chú sang đơn vị phòng không bảo vệ Vinh xem nhờ bản đồ địa hình quân sự vẫn còn ghi địa danh Quán Lau, vẫn còn địa danh khu nhà máy Trường Thi tô màu đậm ký hiệu khu đô thị đó. Nói tóm lại đặt vấn đề xây dựng vùng di tích Lịch sử - Văn hoá đặc biệt Trường Thi - Bến Thuỷ là rất trúng. Ghi dấu lại cả một thời đại cách mạng và kháng chiến chống ngoại xâm. Tôn vinh khí phách anh hùng người Vinh - Bến Thuỷ. Tôn vinh Văn hoá xứ Nghệ, tôn vinh văn hoá dải đất miền Trung nơi tụ hội tinh hoa văn hoá nhiều vùng miền. công việc lớn, đầy trách nhiệm trước lịch sử, người lãnh đạo, người giữ trọng trách không thể để trôi qua. Tôi bây giờ đã là một cựu chiến binh, một thứ dân, năm nay 78 tuổi, tuổi ta là 79 sức đã giảm nhưng cây bút vẫn còn vững tay, cần bàn thêm lời tôi vẫn góp.
Đào Thắng