(Baonghean) - Kỳ họp Quốc hội nào thì vấn đề chống tham nhũng vẫn là đề tài được bàn luận sôi nổi cả trong và ngoài hội trường.
Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa 13 này cũng vậy. Điều khác hơn trước một chút là kỳ này, các đại biểu đòi hỏi công cuộc chống tham nhũng phải ráo riết hơn, tập trung đánh mạnh vào những trường hợp tham nhũng lớn, nhưng cũng không bỏ qua những vụ tham nhũng nhỏ lẻ, hay còn gọi là tham nhũng vặt.
Đã tham nhũng là vi phạm luật pháp. Hậu quả là làm mất lòng tin trong dân chúng. Vì thế, to hay nhỏ, lớn hay bé đều phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Thế mới công bằng. Một điểm mới nữa là, tại kỳ họp này, các đại biểu nhấn mạnh về vấn đề phòng chống hơn là xử lý, trừng trị tham nhũng. Vì có một thực tế, khi đã để tham nhũng xảy ra thì việc khắc phục hậu quả vô cùng khó khăn. Việc xử lý dù nghiêm minh đến đâu thì cũng không thể cứu vãn được những mất mát. Cụ thể như vụ sai phạm ở Vinalines, chỉ để tham nhũng được mấy chục tỉ đồng, người ta đã hy sinh hàng trăm tỉ đồng từ tiền đóng thuế của nhân dân. Những kẻ phạm tội đều đã bị bắt và đang chờ ngày ra trước vành móng ngựa chịu sự phán xử của pháp luật, nhưng hàng trăm tỉ đồng đã “đội nón ra đi” thì mãi mãi không đòi lại được. Vì thế, tập trung ưu tiên cho các giải pháp phòng chống không để xảy ra tham nhũng là điều đúng đắn và cần thiết nhất.
Nước ta không thiếu luật cũng như không thiếu các công cụ phòng chống tham nhũng. Từ những năm 90 ở thế kỷ trước, Quốc hội đã ra nghị quyết về chống tham nhũng, rồi Bộ luật Hình sự, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Cán bộ công chức... và nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời nhằm phòng ngừa và chống tham nhũng. Nước ta cũng có tòa án, viện kiểm sát, công an, vô số cơ quan thanh tra, hải quan, thuế..., có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Địa chỉ chống tham nhũng cũng đã rõ, đó là ở chốn công quyền nơi tiền công quỹ được coi như là “tiền chùa”, không của riêng ai cả nên người ta không những không xót mà còn tìm mọi cách tư túi được càng nhiều càng tốt. Dù với hình thức nào thì đầu vào của tham nhũng vẫn là quyền lực, đầu ra của tham nhũng vẫn là tiền. Cứ nhắm vào những địa chỉ có quyền lực, nắm nhiều tiền công quỹ mà kiểm soát để ngăn ngừa, không để xảy ra tham nhũng và cũng nhắm vào đó để kiểm tra, thanh tra, điều tra ra tham nhũng.
Thế nhưng, công cụ đã có, nhân lực đã có, địa điểm đã có, vậy mà kết quả chống tham nhũng trong thời gian qua vẫn chỉ mới dừng ở hai chữ: khiêm tốn. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này thì lại chưa được các đại biểu Quốc hội chỉ ra một cách cụ thể và rõ ràng. Và giải pháp khắc phục thì vẫn chỉ dừng lại ở mức kêu gọi, thức tỉnh lương tâm theo kiểu “cán bộ tham nhũng phải biết xấu hổ”. Đã biết xấu hổ thì đã không tham nhũng! Còn nhớ ở Quốc hội khóa 10, 11, các đại biểu Quốc hội đã ví von “đánh từ vai trở xuống thì làm sao chống được tham nhũng?”, hoặc “quét cầu thang mà quét từ dưới lên thì làm sao sạch?”. Luật phòng chống tham nhũng dù có chặt chẽ, sắc bén đến mấy, nếu không được đem ra sử dụng đúng nơi, đúng lúc, đúng người, đúng tội thì cũng chỉ là một thứ vô giá trị.
Vì thế, vấn đề nhân dân mong muốn các đại biểu của dân bàn bạc kỹ lưỡng và thấu đáo để đưa ra được chế tài đủ mạnh buộc người ta phải làm thật. “Phải thật thà nhúng tay vào việc” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy. Bởi chúng ta đã nói nhiều, đã nhận thức đầy đủ tác hại cũng như ích lợi của việc chống tham nhũng. Chúng ta cũng đã nhiều lần nêu quyết tâm cao. Bây giờ chỉ cần hành động nữa thôi. Và việc đầu tiên là các đại biểu cần tập trung nghiên cứu làm rõ thẩm quyền của các thành tố trong các tổ chức chống tham nhũng trên cơ sở tạo sự độc lập cao độ để phát huy hết khả năng và cũng là để quy trách nhiệm rõ ràng khi không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Như trên đã nói, hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng của ta khá đầy đủ, vấn đề là thực thi chưa hiệu quả. Hiệu suất “ghi bàn” chưa cao. Và mấu chốt để giải quyết vấn đề là: phải làm thật
Duy Hương