(Baonghean) - Lãng phí thường đi liền với tham nhũng vì tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển. Trong một số trường hợp cụ thể, để có cớ “giải ngân” phục vụ mục đích tham nhũng, người ta đã cho thực hiện các công trình, dự án hay ký kết các hợp đồng mua sắm các loại trang, thiết bị chưa thật sự cần thiết cho mục đích phát triển của một địa phương, một ngành hay của một cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp này thì tham nhũng trở thành nguyên nhân gây ra lãng phí. Cho nên, lãng phí và tham nhũng là hai mặt của một tờ giấy.
Vì thế, muốn hạn chế tham nhũng thì phải hạn chế lãng phí và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí là một cách chống tham nhũng rất hiệu quả. Vậy mà, từ trước tới nay chúng ta mới chỉ đặt nặng vấn đề chống tham nhũng, coi tham nhũng là xấu, là tội phạm mà chưa dành sự quan tâm thích đáng để xử lý triệt để vấn đề lãng phí, chưa coi lãng phí là xấu xa, là một trọng tội cần bị xử lý dưới góc độ hình sự.
Vì thế, tại kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu đã có sự thay đổi quan điểm, coi lãng phí là một “quốc nạn” và đề nghị cần sớm bổ sung đưa vào Bộ luật Hình sự việc xử lý hành vi gây lãng phí bằng chế tài, điều luật cụ thể, để tạo ra sức lan tỏa như một phong trào cách mạng nhằm hạn chế, ngăn chặn sự lãng phí. Nói lãng phí là một “quốc nạn” quả không sai. Vì nhìn vào đâu cũng thấy lãng phí.
Điển hình nhất là trong đầu tư xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội bằng nguồn vốn từ ngân sách. Cách đây chưa lâu, chương trình mía đường phát triển rầm rộ thành một phong trào đại chúng. Địa phương nào cũng đòi có nhà máy đường mà không đếm xỉa đến hiệu quả thực tế và kết quả là phần lớn các nhà máy đường đều đổ vỡ hoặc làm ăn không hiệu quả. Hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế gom góp từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân đã trở thành những đống sắt vụn và cả chảy vào túi một số cá nhân. Sau mía đường là cảng nước sâu. Tỉnh, thành phố nào có biển cũng đều đòi có cảng. Mà phải là cảng to, cảng lớn, cảng nước sâu. Làm cho thật hoành tráng mà rồi không biết để nhập gì, xuất gì cho hết công suất. Bốn tỉnh, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có bốn cảng biển nối liền nhau. Cảng nào nước cũng trong leo lẻo, hầu như không gợn một chút dầu mỡ vì lượng tàu, thuyền ra vào quá ít. Hàng nghìn tỷ đồng bỏ ra chỉ để thỉnh thoảng đón một vài con tàu lơn lớn cập cảng còn thì để làm nơi giải trí cho các “cần thủ” trổ tài câu cá.
Gần đây là hội chứng “sân bay”, không ít tỉnh muốn có một “cảng hàng không” để “tiết kiệm thời gian đi lại, tạo đà cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà”. Mỗi sân bay cỡ nhỏ, bỏ rẻ cũng tiêu ngót cả tỷ USD một lúc chứ có ít đâu. Rồi còn kinh phí duy tu, sử dụng lâu dài nữa. Vậy thời gian tiết kiệm được quy ra tiền, trong thời gian bao lâu thì bù lại được số vốn ban đầu khổng lồ đó, hay lại thành bãi chăn thả trâu, bò “cao cấp” như đã từng xảy ra. Khắp các đô thị, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hàng trăm, hàng nghìn dự án bất động sản nằm bất động vì thừa thãi không ai mua. Hàng trăm nghìn tỷ đồng chôn vùi vào đó rồi phôi pha theo cát bụi.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng vậy. Hàng trăm trường đại học được dựng lên một cách vô tội vạ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng của dân. Bây giờ ngắc ngoải để đào tạo ra những “ông cử, bà cử” với trình độ đầu vào chỉ đạt ngưỡng vài ba điểm. Với chiến lược đào tạo vô tội vạ, lãng phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm chỉ để làm gia tăng số lượng đội ngũ cử nhân, thạc sĩ thậm chí là tiến sĩ không có việc làm. Biết bao gia đình đã phải cầm cố nhà cửa, ruộng nương, vay mượn tứ phía nuôi con ăn học để thành… người thất nghiệp. Có cái vỉa hè dành cho người đi bộ mà mỗi năm người ta đào lên, lấp xuống không biết mấy lần. Có cái nhà vệ sinh bé con con cho học sinh mà ở các tỉnh nghèo người ta dám bỏ ra năm, bảy trăm triệu để xây với giá 30 triệu đồng/m2.
Còn ở Hà Nội thì người ta vừa mới chi ra 15 tỷ đồng để xây 14 nhà vệ sinh công cộng. Tính ra mỗi nhà xấp xỉ giá một chung cư cỡ trung bình. Mỗi năm ngân sách bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho nuôi hơn 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức mà có tới 30% trong số đó chỉ “ngồi chơi xơi nước”… Rồi hội họp, động thổ, khởi công, kỷ niệm ngày thành lập tỉnh này, thành phố nọ, ban này, bộ nọ, ngành kia… lãng phí vô kể và rất vô lối. Càng nói, càng liệt kê càng thấy đau lòng. Có đại biểu cho rằng, ngay như Quốc hội họp dài ngày cũng là một sự lãng phí.
Như lời một đại biểu đã xót xa thốt lên “Nếu như chúng ta không biết tiết kiệm, tích lũy để dành của cải, mà cứ phung phí, xa hoa, tận thu tài nguyên như vũ bão vài thập kỷ qua, là chúng ta đang có tội với con cháu phải gánh chịu những lời phiền trách của hậu thế”. Không cần chờ tới hậu thế, mà hiện tại, dân chúng đã ta thán, phiền trách nhiều lắm rồi. Đã đến lúc chấm dứt những lời kêu gọi chống lãng phí chung chung mà phải xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định không phù hợp gây lãng phí và cả những cơ quan, bộ, ngành có liên quan. Phải quy rõ trách nhiệm của từng mắt xích một để có chế tài xử lý một cách nghiêm khắc khi để xảy ra lãng phí.
Tóm lại, phải quy lãng phí là một trọng tội hình sự thì mới có thể hạn chế tối đa tệ lãng phí. Mang lại lợi ích kép là hạn chế được tham nhũng và tạo thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Duy Hương