(Baonghean) - Mấy mươi năm về trước, những nhạc sỹ đau đáu với ví, giặm như Văn Thế, Thanh Lưu, Phan Thanh Chương… đã tự vấn và chất vấn về sự tồn tại và phát triển của loại hình dân ca đặc sắc ấy trước những biến động của lịch sử - xã hội. Nay, một lần nữa, câu hỏi ấy lại được tha thiết vang lên, tuy không mới nhưng hôi hổi tính thời sự, trong bối cảnh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Trong cơn mưa phảng phất vỗ vào mái tole thứ xao động rất khẽ, giữa cả những ồn ã ngược xuôi ngoài phố, không gian nhỏ bé tại sảnh trước trụ sở Tạp chí Văn hóa Nghệ An trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu và bàn luận đầy ấm cúng, thân tình của nhiều học giả, nhạc sỹ, nhà quản lý văn hóa… về những vấn đề mang tính hệ thống, chiến lược cho tương lai của ví, giặm quê hương. Cái tương lai ấy, không còn nhiều hoang mang như mấy mươi năm về trước, mà trong niềm hân hoan được ghi danh vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ví, giặm Nghệ Tĩnh có thêm điểm tựa để hòa vào dòng chảy đầy biến động của hiện thực cuộc sống, vươn lên thành thể thức âm nhạc quen thuộc, thành món ăn tinh thần thường nhật đối với mỗi người dân. Tuy nhiên, để sự “hòa vào” ấy là sự hòa vào một cách tự nhiên, tất yếu chứ không phải “đặt vào” đầy gượng ép, khiên cưỡng, thì cần đến kiến giải của những người nặng lòng yêu và hiểu ví, giặm. Buổi tọa đàm xoay quanh nhìn nhận, đánh giá 3 vấn đề chính: Sự thách đố của thời đại đối với ví, giặm; Tương lai nào cho ví, giặm; Giải pháp đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của ví, giặm.
Mái tóc lưa thưa bạc, cặp kính trắng và giọng nói tri niên vẫn còn vẹn nguyên vẻ đầm ấm, tình cảm, nhạc sỹ Lê Hàm - người cao tuổi nhất buổi tọa đàm trình bày đầu tiên. Ông nói về những biến động lớn lao của “thế giới phẳng”, về sự phát triển như vũ bão của công nghệ - thông tin, khoa học - kỹ thuật chiếm lĩnh đa số đời sống sinh hoạt của các thế hệ và khẳng định, không chỉ dân ca ví, giặm mà tất cả các loại hình âm nhạc dân gian khác cũng đang đứng trước thách thức này. Nhu cầu đến với Dân ca ví, giặm như là một loại hình âm nhạc để giải trí đã không còn bức thiết như hàng chục năm về trước, bởi hiện có quá nhiều phương tiện nghe - nhìn đáp ứng. Dân ca ví, giặm xuất phát từ cuộc sống lao động của nhân dân, vì thế, làn điệu ví, giặm phản ánh quá trình lao động và nỗi niềm, mong mỏi của người lao động. Xưa, có ví phường vải, phường củi…, nhưng nay, nếu đưa những làn điệu đó áp vào mọi diễn đàn, mọi không gian thì đã không còn phù hợp, sẽ làm giảm sự hào hứng của đối tượng thưởng thức. Ông nêu những ví dụ rất sát thực tế: “Nói đơn giản, ta đi đám cưới, tuyền thứ nhạc giậm giật, váng tai, hoặc múa may quay cuồng. Ai nghĩ đến việc đưa Dân ca ví, giặm lên sân khấu đám cưới để bà con thưởng thức? Rồi trong các trường học, học sinh cấp 1, cấp 2 học hát dân ca, nhưng nếu không soạn lời mới mà vẫn cứ “Anh đến cùng đò thì đò đã sang sông/ Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng...” liệu có phù hợp không? Mặt khác, tỉnh ta có hàng chục câu lạc bộ dân ca, nhưng thực chất nhìn nhận, thì các CLB đó đã hoạt động hiệu quả chưa, hay chỉ tổ chức diễn vào các dịp lễ, tết, đại hội?” Nhạc sỹ Lê Hàm chốt lại, Dân ca ví, giặm thuộc về nhân dân, phải để nhân dân nhận ra, đó là tiếng hát từ tâm hồn họ mới cắm rễ sâu bền được.
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng (Diễn Hoa, Diễn Châu) thì bày tỏ trăn trở của những người làm công tác văn hóa cơ sở. Ông khẳng định, Dân ca ví, giặm chưa bao giờ mất đi trong trí nhớ của nhân dân. Gần 10 năm lại nay, phong trào hát Dân ca ví, giặm được gây dựng lại và ngày càng lan tỏa, tuy kém nồng nhiệt hơn xưa. Sự kém đi ấy có thể hiểu là do thiếu đi người cầm trịch tại các buổi hát, thiếu những bậc trí giả soạn lời mới và thiếu cả… mạnh thường quân! Ông băn khoăn, kinh phí dành cho công tác bảo tồn, phát huy loại hình dân ca này còn quá hạn chế. Mỗi buổi hát, các nghệ nhân lên sân khấu với niềm đam mê và tình yêu ví, giặm, nhưng mấy ai biết, đằng sau cánh gà, là ngổn ngang tâm tư về công tác hậu cần, về cái ăn, cái mặc? Để kêu gọi nghệ sỹ và nhân dân chung tay bảo tồn và phát triển ví, giặm, thì trước hết, hãy để họ an lòng với sự xứng đáng từ chất xám và thời gian bỏ ra của mình.
Tương lai của Dân ca ví, giặm là ở sự tiếp truyền và chắp cánh từ thế hệ tương lai của đất nước. Về vấn đề này, ông Vũ Thế Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật chia sẻ đầy tâm tư: “Trường chúng tôi là đơn vị tìm kiếm, đào tạo nhân lực cho Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, nhưng rất tiếc và rất buồn phải thổ lộ rằng nhiều năm lại đây, trường không tuyển được sinh viên nào theo đuổi dòng nhạc dân ca, đặc biệt là đam mê ví, giặm. Khát khao các bạn trẻ đến nỗi, cô Hồng Lựu (NSND Hồng lựu - P.V) tuyên bố sẽ xin tài trợ học phí cho các bạn theo học, nhưng vẫn không tìm được ai.” Các bạn trẻ có thể thích hát dân ca, thích nghe dân ca, nhưng để định hướng theo con đường chuyên nghiệp thì rất hiếm, bởi bao suy nghĩ về đồng lương, về cuộc sống…
Thách thức về nhân lực trẻ cho Dân ca ví, giặm nhận được nhiều sự đồng cảm của các khách mời tọa đàm. Cùng với đó, là những thảo luận về Dân ca ví, giặm trong trường học. Phong trào đưa Dân ca ví, giặm vào các trường học đã được triển khai mấy năm nay, mang lại những hiệu ứng tích cực, bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều vấn đề khúc mắc cần giải quyết. Đó là sự thay đổi về lượng chứ chưa về chất, nghĩa là học sinh hát ví, giặm bằng thói quen chứ chưa thấm, chưa hiểu được hồn cốt dân ca, mà chưa thấm, chưa hiểu thì hẳn là chưa yêu? Mặt khác, cần sắp xếp lại đội ngũ giáo viên dạy hát dân ca, vì ngay cả bản thân đội ngũ này một số vẫn còn chưa nhận thức đúng về dân ca, tình trạng hát sai lời, cải biên làn điệu tùy tiện…
Góp vào buổi tọa đàm thêm sôi nổi, là ý kiến về việc sân khấu hóa dân ca - cách thiết thực để làm sống dậy và lan tỏa Dân ca ví, giặm. Nhạc sỹ Thanh Lưu bày tỏ rằng là hơn 40 năm trước, ông và đồng nghiệp đã mạnh dạn sân khấu hóa, sáng tác và cải biên dân ca, được quần chúng rất ủng hộ. Ông tâm huyết: Chúng ta nói phải bảo tồn không gian diễn xướng, nhưng không gian ấy phải thay đổi linh hoạt, phải khoác áo mới cho Dân ca ví, giặm, khuyến khích sáng tác những bài hát mang âm hưởng dân ca với nội dung thật sát thực tế, liên hệ cả với những chương trình sôi nổi như nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… nhưng tất cả phải nghệ thuật hóa lên!
Tương lai cho ví, giặm Nghệ Tĩnh còn là sự trăn trở của những người làm công tác quản lý văn hóa. Ông Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở VH - TT & DL Nghệ An đến dự buổi tọa đàm từ rất sớm. Chăm chú lắng nghe từng thảo luận và cẩn thận ghi chép lại tất cả, ông gom từng nội dung và trao đổi kỹ càng với các học giả, nhà nghiên cứu, nhạc sỹ… Ông chia sẻ, theo thống kê, toàn tỉnh có 80 CLB dân ca với gần 200 nghệ nhân. Mới đây nhất, sở vừa trình UBND tỉnh đề xuất có cơ chế, chính sách dành cho nghệ nhân dân ca để tri ân và phát huy họ, đồng thời, lập danh sách nghệ nhân ưu tú để vinh danh. Ngoài ra, kế hoạch gắn Dân ca ví, giặm với các lễ hội, sự kiện lớn của quê hương và du lịch đang được rốt ráo xúc tiến, hứa hẹn sẽ là hướng đi tươi sáng, triển vọng nâng tầm lan tỏa của Dân ca ví, giặm trong thời đại mới...
Hướng đi ấy, sự rốt ráo và nhiệt tâm ấy đã khép lại buổi tọa đàm nhiều cảm xúc. Tương lai dành cho Dân ca ví, giặm không còn là câu hỏi vọng lên từ đáy sâu trăn trở, mà đã là câu hỏi có lời giải đáp rõ ràng. Tương lai ấy thuộc về chính mỗi “người xứ Nghệ” quyết định.
* Sáng 27/12, Tạp chí Văn hóa Nghệ An tổ chức cuộc tọa đàm về tương lai của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tham dự có lãnh đạo Sở VH-TT & DL, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau khi Dân ca ví, giặm xứ Nghệ được UNESO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, rất nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức giao lưu, tìm hướng đi cho Dân ca xứ Nghệ trong thời gian tới. Buổi tọa đàm cũng hướng tới việc tìm những giải pháp cho công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ trong thời gian tới. Rất nhiều ý kiến tâm huyết đề nghị các địa phương, ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách cho các câu lạc bộ dân ca đang hoạt động; Cần tôn vinh nghệ nhân dân ca; Đưa dân ca vào trường học; tăng cường giới thiệu Dân ca ví, giặm bằng các tài liệu, in ấn sách, đĩa VCD, tổ chức thi Dân ca thường xuyên trong trường học; trong cộng đồng dân cư… làm cho Dân ca, ví, giặm lan tỏa, phát triển và có sức sống mãnh liệt. Thanh Thủy |
Phước Anh