Thắng lợi nối tiếp
Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, được gọi tắt là USMCA, đã được Thượng viện Mỹ thông qua với 89 phiếu thuận, 10 phiếu chống. Hiệp ước thương mại này được Tổng thống Trump ký hồi tháng 11/2018, cũng đã nhận được “chiếc vé” đồng ý tương tự từ cuộc bỏ phiếu của Hạ viện vào tháng trước.
Theo một thông báo từ Thư ký báo chí Nhà Trắng, biện pháp nói trên là “một chiến thắng khác trong lĩnh vực thương mại đối với người lao động Mỹ”, thay thế bản hiệp định cũ “khiến việc làm biến mất, là thất bại lớn NAFTA”.
Tuyên bố này khẳng định: “USMCA, được Tổng thống đàm phán thành công hơn 1 năm trước, tái cân bằng thương mại giữa 3 quốc gia và sẽ dẫn tới tăng trưởng đáng kể về kinh tế và việc làm tại Mỹ”.
Cá nhân các thượng nghị sỹ Mỹ cũng ca ngợi những lợi ích của thỏa thuận mới đối với cử tri của mình, đơn cử lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Mitch McConnell đã gọi đây là “một chiến thắng lớn đối với Kentucky và toàn bộ 50 bang”. Phát biểu tại tòa nhà Thượng viện hôm 15/1, ông nói thêm rằng, bản thỏa thuận là “một chiến thắng lớn đối với đất nước. Một chiến thắng lớn đối với chính quyền Trump”.
Tổng thống Trump giờ đây có thể tuyên bố bản thân đã hoàn thành cam kết khi tranh cử là mạnh tay trong lĩnh vực thương mại.
USMCA nhằm thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, được Tổng thống đàm phán George H.W. Bush vào những năm 1990 và được Tổng thống Bill Clinton thúc đẩy Quốc hội thông qua.
Với bản hiệp ước thương mại được đàm phán lại với Mexico và Canada cùng với việc hôm 15/1 ký kết một bản thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc nhằm hạ màn cuộc chiến thương mại dài hơi và lắm rắc rối, ông Trump giờ đây có thể tuyên bố bản thân đã hoàn thành cam kết khi tranh cử là mạnh tay trong lĩnh vực thương mại, đồng thời loại bỏ “những thỏa thuận tồi” do những người tiền nhiệm của ông đưa ra.
Thượng nghị sỹ Richard Shelby trên Twitter viết rằng, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy thương mại khắp bang và phục vụ lợi ích của “nông dân, nhà sản xuất và doanh nghiệp”. Còn Thượng nghị sỹ Shelley Moore Capito lại trao những mỹ từ rằng thỏa thuận “đem lại bản cập nhật thế kỷ 21 cho các chính sách thương mại của chúng ta với Mexico và Canada”.
Trong khi đó, chiến dịch tái cử của Trump cũng “mượn gió” để đánh “đòn” vào đối thủ tranh cử là Thượng nghị sỹ Bernie Sanders - 1 trong 10 nhà lập pháp bỏ phiếu phản đối USMCA.
Trong thư điện tử gửi đến những người ủng hộ hôm 16/1, chiến dịch của Trump viết: “Nhân vật theo đường hướng xã hội Bernie Sanders đã tự hào bỏ phiếu phản đối việc làm mới và lương cao đối với lao động Mỹ. Sanders đang sẵn lòng hy sinh những công việc cổ cồn xanh cùng đồng lương cải thiện, kể cả khi ông ta thích bay trên những chiếc phi cơ riêng đốt nhiên liệu hóa thạch gần như hàng ngày”.
Bình mới, rượu có mới?
Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng, NAFTA là một sự thúc đẩy lớn đối với các nền kinh tế Bắc Mỹ, bởi nó dỡ bỏ các hàng rào thương mại, giảm thuế quan và tăng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tại Mexico. Nhưng giới chỉ trích, bao gồm Trump cùng nhiều thành viên đảng Cộng hòa, nói rằng NAFTA đẩy việc làm của Mỹ sang bên kia biên giới. Tổng thống Mỹ thường xuyên nói rằng, NAFTA “có lẽ là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng có”.
Trên thực tế, NAFTA không gây ra sự thất thoát việc làm lớn cũng như không tạo ra những lợi ích kinh tế lớn lao.
Một bản bảo cáo năm 2017 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội không thiên về đảng phái nào kết luận rằng, tác động của NAFTA trong hơn 1/4 thế kỷ qua thực sự khó mà tách bạch.
Báo cáo nêu: “Một thách thức lớn trong việc đánh giá NAFTA là phân tách những tác động xảy ra nhờ thỏa thuận này khỏi các yếu tố khác. Thương mại của Mỹ với Mexico và Canada đã tăng trưởng trước khi có NAFTA và kể cả không có thỏa thuận thì khả năng là nó vẫn sẽ tiếp diễn. Trên thực tế, NAFTA không gây ra sự thất thoát việc làm lớn như các nhà phê bình lo sợ, cũng như không tạo ra những lợi ích kinh tế lớn lao như những người ủng hộ đã dự đoán”.
Còn bản thỏa thuận mới quả thực có đưa ra vài lợi ích khiêm tốn so với bản hiệp ước tiền nhiệm. Theo một báo cáo năm 2019 của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), USMCA sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc dân (GDP) thêm 0,35% sau khi trừ lạm phát, tức 68,2 tỷ USD, tạo ra 175.700 việc làm mới trong vòng 6 năm, ít hơn mức trung bình mà nền kinh tế Mỹ tạo ra trong 1 tháng.
Theo báo cáo này, hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Canada và Mexico sẽ lần lượt tăng thêm 19,1 tỷ USD (5,9%) và 14,2% (6,7%). Nhập khẩu của Mỹ từ Canada và Mexico sẽ lần lượt tăng 19,1 tỷ USD (4,8%) và 12,4 tỷ USD (3,8%).
Một điểm chính là sẽ tăng tỷ lệ các bộ phận của một phương tiện buộc phải sản xuất tại Bắc Mỹ nhằm tránh đánh thuế từ 62,5% theo NAFTA trước đây lên 75% theo USMCA. Hiệp ước mới cũng sẽ đòi hỏi phần lớn các bộ phận này phải do người lao động được trả công tối thiểu 16 USD/giờ sản xuất ra - một điều khoản nhằm “ứng phó” vấn đề lao động giá rẻ của Mexico. Theo ITC, những thay đổi này sẽ dẫn tới giá bán lẻ các phương tiện có sự tăng nhẹ.
Nhà Trắng cũng đàm phán giảm thuế Canada đánh vào sản phẩm sữa của Mỹ, bao gồm bột sữa và sữa công thức dành cho trẻ em. Nhưng Canada đã hoàn tất một trong những ưu tiên hàng đầu của họ, đó là giữ lại Chương 19, một cơ chế giải quyết tranh chấp cho phép bất kỳ nước nào kiện những hạn chế về thương mại của nước khác lên một cơ chế tài phán trung gian.
Bản thỏa thuận mới cũng bao hàm các điều khoản bảo vệ tầng ozon, môi trường biển và chất lượng không khí, đồng thời thiết lập một hệ thống quản lý ngư nghiệp để ngăn đánh bắt cá quá mức ở các vùng biển Bắc Mỹ. Nhưng thế vẫn chưa đủ làm hài lòng các nhóm hoạt động vì môi trường. Trong một tuyên bố tháng trước, một số nhóm đã hối thúc các thành viên phản đối USMCA.
Họ khẳng định thỏa thuận mới chưa đủ tầm và “sẽ khuyến khích đưa ô nhiễm và việc làm ra bên ngoài, tạo thời cơ cho những tập đoàn gây ô nhiễm khét tiếng, và kéo dài di sản ô nhiễm của Trump trong nhiều năm. Liệu thỏa thuận này có thất bại trong việc đề cập, nhận diện và giải quyết khủng hoảng khí hậu, và thậm chí còn góp phần khiến nó thêm tệ hơn không, là chuyện cần thời gian để trả lời cho phe vì môi trường.