Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị thượng đỉnh Berlin về Libya diễn ra hôm qua 19/1 tại Đức, với sự góp mặt của đại diện 11 quốc gia, trong đó có nhiều nước lớn như: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ..., được kỳ vọng sẽ tìm ra một giải pháp mới có thể gỡ rối tình hình Libya đang càng lúc càng rối ren.
Quyết tâm gỡ vòng luẩn quẩn
Có thể nói kể từ năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh Berlin diễn ra ngày 19/1 là sự kiện lớn đầu tiên được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ cuộc xung đột tại Libya vốn đã kéo dài nhiều năm qua. Hội nghị được kỳ vọng có thể kêu gọi các nước lớn có tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông cùng góp tiếng nói, hành động và cam kết không tiếp tục can dự cuộc xung đột tại Libya, thông qua việc không cung cấp vũ khí, quân đội hoặc tài chính.
Cần nhắc lại, kể từ sau chính biến năm 2011, Libya đã bị chia rẽ sâu sắc với hai chính quyền và lực lượng vũ trang riêng cùng tồn tại. Đó là chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận và lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA). Đáng lưu ý, mỗi một chính quyền lại có các lực lượng đỡ đầu, ủng hộ khác nhau. Nếu như chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được các nước như: Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, thì lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA) lại được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ, cùng đó là sự ủng hộ chính trị từ một số nước lớn như: Nga, Mỹ hay Pháp.
Libya càng lúc càng trở thành “miếng bánh” để các lực lượng khác nhau nhòm ngó.
Trước tình thế một nước hai chính quyền, mâu thuẫn và xung đột sâu sắc, Libya càng lúc càng trở thành “miếng bánh” để các lực lượng khác nhau nhòm ngó. Chưa hết, Libya còn dần trở thành một chiến địa mới ở Trung Đông của các nước lớn - sau khi chiến trường hậu Syria gần như đã phân chia xong. Chẳng thế mà Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Ghassan Salame mới đây đã ra lời kêu gọi các quốc gia bên ngoài chấm dứt can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya. Và rằng, mặc dù Libya từng kêu gọi sự giúp đỡ của các thế lực nước ngoài, nhưng chính những “can thiệp của quốc tế chỉ khoét sâu hơn nữa sự chia rẽ trong nội bộ đất nước này mà thôi”. Do đó, Đặc phái viên Ghassan Salame đặc biệt kêu gọi, vòng luẩn quẩn này cần phải được chấm dứt! Bởi thế, Hội nghị thượng đỉnh Berlin về Libya cũng đã tìm cách để củng cố lệnh ngừng bắn tại đất nước này, với sự giám sát chặt chẽ và hiệu quả thực tế. Thế nhưng, dù có hay không đạt được một thỏa thuận mới tại hội nghị lần này, theo giới quan sát, cuộc xung đột nội bộ Libya vẫn chưa thể sớm được giải quyết. Dẫn chứng là mới ngay đầu tuần trước, phái đoàn hai chính quyền đối địch ở Libya đã cùng tiến hành đàm phán tại Moskva nhằm đi đến một thỏa thuận ngừng bắn, dưới sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng đáng tiếc, Tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã rời thủ đô Moskva mà không ký kết thỏa thuận ngừng bắn nào để có thể chấm dứt 9 tháng xung đột tại thủ đô Tripoli.
Lợi ích chưa đều
Dư luận thời gian gần đây chắc hẳn không khó nhận ra sự quan tâm đặc biệt và các động thái liên tục của chính quyền Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng gia tăng hiện diện và vai trò tại Libya. Giới phân tích cho rằng, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang ấp ủ về một đại kế hoạch tại địa bàn mới này tại Trung Đông. Đơn giản, bởi đây sẽ là ván cờ mới, nơi mà Mỹ dường như đang dần giảm dần sự hiện diện. Trong khi đó, Nga và Thổ dường như lại đang cùng nhau thiết lập một quy tắc kết hợp chiến lược giống như đã làm tại Syria. Và rằng, trong ván cờ đó, Mỹ sẽ tiếp tục là kẻ ngoài cuộc.
Nga đã bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ sự hiện diện lực lượng nhằm định hình kết quả cuối cùng của cuộc chiến Libya.
Cũng cần nhắc lại, tình hình hỗn loạn tại Libya trong vòng hơn 1 năm qua đang trở thành bối cảnh hoàn hảo để Nga có lý do can dự, lấp đầy những khoảng trống mà Mỹ và các đồng minh để lại. Thể hiện mới nhất là sau nhiều năm ủng hộ lực lượng của Tướng Khalifa Haftar về nhiều mặt, Nga đã bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ sự hiện diện lực lượng nhằm định hình kết quả cuối cùng của cuộc chiến Libya. Mới đây, Tướng Khalifa cũng đã chiếm giữ thành phố ven biển chiến lược Sirte. Thắng lợi này cũng đồng nghĩa, sự trợ giúp của Nga ngày càng thể hiện rõ ràng hơn tại quốc gia này.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây khi chia sẻ với truyền thông đã “ý nhị” tuyên bố rằng, công việc còn lại ở Libya là của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đó chẳng phải là thông điệp với các bên tại Libya rằng, Nga sẽ làm tốt vai trò chủ đạo trong việc tìm kiếm hòa bình cho quốc gia này. Đây có lẽ là kịch bản mà nhiều nước trong khu vực chấp nhận, khi nhìn lại những gì mà Nga đã làm tốt tại Syria thời gian qua. Còn trong ván cờ Libya, nếu như Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm các lợi ích về kinh tế, tài nguyên hay “dựa hơi” Nga để tăng cường tiếng nói, thì Nga nếu tiếp tục thể hiện tốt với Libya sẽ ngày càng củng cố vị thế trong khu vực. Đó là chưa kể, thành viên quan trọng của khối NATO là Thổ Nhĩ Kỳ càng lúc càng ngả về Nga hơn nữa.
Trong khi đó, được cho là tiếp tục bị “lép vế” tại Libya, đại diện của Mỹ tại Hội nghị Berlin là Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã đặt ra một số mục tiêu nhất định. Có thể kể đến như duy trì chế độ ngừng bắn, rút toàn bộ các lực lượng nước ngoài và đưa Libya trở lại tiến trình hòa bình cho người Libya dẫn dắt. Tuy nhiên, với một tiếng nói khá “yếu ớt” trong các vấn đề Trung Đông, lại thêm “đồng minh khó bảo” là Thổ Nhĩ Kỳ, những đề xuất của Mỹ sẽ còn phải chờ thái độ của nhiều bên. Nhất là khi đồng minh Ankara đã quyết tâm can thiệp vào cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này. Bởi thế, rõ ràng, một khi các tính toán chiến lược và lợi ích của các bên chưa được chia đều, thì bàn cờ Libya sẽ còn căng thẳng và chưa thể sớm chấm dứt!.