Nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ do hai nhà kinh tế Aaron Flaaen và Justin Pierce tiến hành, trong đó chỉ rõ sự thay đổi trong chính sách thuế mà Mỹ bắt đầu áp dụng từ năm 2018 có liên quan đến các chỉ số về tỷ lệ thất nghiệp và chỉ số giá cả. Tổng số thuế mà người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ phải trả trong một tháng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9/2019 là 7,1 tỷ USD.
Theo bản nghiên cứu này, mặc dù chính sách thuế của Mỹ thực sự đã giảm bớt sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu đối với một số ngành sản xuất của Mỹ, nhưng lợi thế này bị suy giảm khá nhiều do chi phí đầu vào tăng cũng như mức thuế trả đũa áp dụng với các sản phẩm đầu ra. Việc Mỹ tăng thuế với hàng nhập khẩu vào Mỹ đã dẫn đến việc nhiều quốc gia áp thuế trả đũa, là lý do khiến chi phí trong 10 ngành sản xuất công nghiệp chủ chốt của bị đẩy lên cao gồm: thiết bị từ tính và quang học, sản phẩm làm từ da, nhôm, sắt - thép, xe cơ giới, thiết bị gia dụng, máy cưa, thiết bị âm thanh và hình ảnh, thuốc trừ sâu, máy tính.
Bên cạnh tác động có thể đo đếm được bằng những con số cụ thể, bản nghiên cứu cũng cho rằng chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump còn làm suy giảm dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất do các doanh nghiệp lo ngại về sự bất ổn định trong các chính sách thương mại quốc tế của chính phủ.
Tháng 3/2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên thực hiện chính sách tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu sau khi tuyên bố rằng các hoạt động thương mại thiếu công bằng đã tạo ra cuộc tấn công nhằm vào ngành thép và nhôm của Mỹ. Kể tử đó, ông Donald Trump còn thực hiện rất nhiều đợt tăng thuế khác, đặc biệt là với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị lên tới hàng chục tỷ USD. Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ - dù mức độ kiềm chế hơn.