(Baonghean.vn) - Thủ tướng phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Tập trung đầu tư 3 đô thị đại học chất lượng cao; Chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa DNNN; Hoàn thiện chính sách đầu tư theo hình thức PPP;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Thủ tướng phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp

resize_images2067180_1.jpgẢnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%; lao động nông nghiệp được đào tạo đạt khoảng 22%.

Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; hầu hết dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Có hai cơ cấu lại: Cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm và Cơ cấu lại nông nghiệp theo vùng. Trong đó việc cơ cấu lại theo vùng nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

2. Tập trung đầu tư 3 đô thị đại học chất lượng cao

Ảnh minh họa

Chính phủ sẽ tập trung đầu tư phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng thành ba đô thị đại học chất lượng cao của quốc gia tại ba miền Bắc, Trung, Nam.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 542/TB-VPCPkết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu uy tín trong nước và khu vực.

Thông báo nêu rõ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng có vai trò trọng yếu trong hệ thống giáo dục và đào tạo, cần phải đi tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học góp phần đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho đất nước; góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

3. Chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa DNNN

Ảnh minh họa

Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định người lao động được mua cổ phần với giá ưu đãi khi doanh nghiệp cổ phần hóa gồm: 

1- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa;

2- Người lao động của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cử xuống làm đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp khác chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác;

3- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp cấp II (chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác) tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

4. Hoàn thiện chính sách đầu tư theo hình thức PPP

Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư PPP.

Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, việc sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư là rất cần thiết.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định thay thế hai Nghị định trên trong tháng 11/2017.

5. Thay đổi Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.

Theo quyết định, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam thay ông Nguyễn Trọng Đàm.

Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam có các nhiệm vụ: Giúp Thủ tướng Chính phủ xây dựng  chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với người cao tuổi; Giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chỉ đạo các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực về người cao tuổi; Tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

6. Giải trình diện tích đất thu hồi làm sân bay Long Thành

Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giải trình làm rõ diện tích đất cần thu hồi 5.000 ha của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Việc thu hồi 5.000 ha đất để đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định và Chính phủ đã trình Quốc hội từ năm 2014.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra; trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội theo quy định.

7. Thủ tướng chỉ thị sơ kết thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 42/CT-TTgvề việc tổ chức sơ kết thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009 – 2019.

Thông qua sơ kết, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Ngày Biên phòng toàn dân”, trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, vùng biển đảo của Tổ quốc trong 10 năm qua; đề xuất khen thưởng theo thẩm quyền của từng cấp.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị này; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009 - 2019 cấp Trung ương vào tháng 02/2019 tại Hà Nội.

8. Cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn

Radio là kênh thông tin được đồng bào dân tộc thiểu số yêu thích. Ảnh: vov.vn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Thí điểm cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới”.

Đề án trên được triển khai thí điểm ở 10 tỉnh thuộc 4 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh, Kiên Giang.

Đối tượng được thụ hưởng Đề án gồm: Già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực III ở các tỉnh được chọn điểm.

Bí thư chi bộ, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, Bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, chi hội trưởng chi hội nông dân; trưởng ban công tác mặt trận; cán bộ tư pháp, cán bộ văn hóa thông tin ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực III, xã biên giới ở tỉnh được lựa chọn thí điểm.

Đồn, trạm, đội công tác biên phòng và các đồng chí bộ đội biên phòng tăng cường xuống xã biên giới ở tỉnh được lựa chọn thí điểm.

9. Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ dự án Luật hành chính công

Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công.

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo, chuyên viên là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật tiếp tục tham gia, hỗ trợ Ban soạn thảo trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật hành chính công; phối hợp, hỗ trợ Ban soạn thảo dự án Luật trong việc tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề có liên quan thuộc nội dung của dự án Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ về hệ thống các luật liên quan đến hành chính công, xác định rõ sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật, tránh chồng chéo, trùng lắp với các luật hiện hành, báo cáo Chính phủ.

10.Xử lý quyết toán cổ phần hóa Công ty cổ phần Vật tư bưu điện

Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp bàn việc xử lý tồn tại để phê duyệt quyết toán cổ phần hóa Công ty cổ phần Vật tư bưu điện (Potmasco).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo VNPT thực hiện việc phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ người lao động dôi dư, quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa và công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm Potmasco được cấp giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành.

Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, xác định sai sót và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4588/VPCP-ĐMDN ngày 5/5/2017 của Văn phòng Chính phủ. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả việc xử lý.

 

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN