ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: “Nếu không đưa quy định xử lý cán bộ nghỉ hưu vi phạm vào luật có nghĩa chúng ta đã cắt bỏ cửa đầu tiên để xử lý những người này”.

Một trong những nội dung đang được dư luận đặc biệt quan tâm là việc có bổ sung quy định tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu vào Luật Tố cáo (sửa đổi) hay không.

Ông Phạm Tất Thắng.

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đặt ra vấn đề không đưa diện cán bộ công chức đã nghỉ hưu vào đối tượng điều chỉnh của luật. Theo giải trình của Chính phủ, lý do chính là do Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức chưa có quy định kỷ luật cán bộ công chức.

Trong bối cảnh, Đảng đang rất quyết liệt trong việc xử lý những cán bộ mắc sai phạm, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, nhưng Luật Tố cáo lại không điều chỉnh những đối tượng này vào luật, phải chăng có một sự vô lý?

Chia sẻ quan điểm của mình, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, ông Phạm Tất Thắng cho rằng, việc bổ sung là cần thiết, bởi về nguyên tắc, mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu không có quy định buộc những người nghỉ hưu phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của mình rất có thể sẽ tạo ra hoặc đẩy sâu thêm tư duy nhiệm kỳ, cứ đến cuối nhiệm kỳ là có những quyết định cho người thân quen, hay các nhóm lợi ích, rồi sau đó hạ cánh an toàn, coi như hết trách nhiệm.

Ông Thắng nhấn mạnh, khi đã có dư luận sẽ buộc phải thanh kiểm tra, nếu đúng như tố cáo thì người làm sai phải chịu trách nhiệm. Ngược lại, nếu tố cáo không đúng, qua quá trình xác minh, có thể trả lại sự công bằng, bảo vệ uy tín và danh dự của cán bộ. Như vậy dù có theo chiều hướng nào thì việc có những quy định về tố cáo và giải quyết các tố cáo là việc cần thiết. Về phía người dân, những quy định đó là một sự đảm bảo rằng không có vùng cấm đối với cán bộ mắc sai phạm ở bất cứ thời điểm nào khi phát hiện.

Theo ông Thắng, thực tế thời gian qua chúng ta đang bị vướng khi xử lý một số cán bộ trung cao cấp đã nghỉ hưu do không đủ “hành lang pháp lý”. Việc bổ sung quy định vào Luật là chúng ta đang dần hoàn thiện hệ thống pháp lý. Cán bộ quản lý thường cũng là đảng viên, bên cạnh việc xử lý ở góc độ Đảng đương nhiên phải xử lý cả ở góc độ chính quyền, nếu sai phạm đó thuộc về quản lý điều hành.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng việc đưa quy định vào luật là có cơ sở pháp lý và cũng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Phân tích ở góc độ pháp lý, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng Luật Tố cáo - luật gốc quy định về vấn đề tố cáo, giải quyết tố cáo mà hậu quả của nó có thể dẫn đến việc cán bộ công chức, viên chức có thể bị xử lý kỷ luật. Luật này có quy định thì Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức mới có cơ sở, căn cứ để sửa đổi quy định. Đây là cơ hội để khắc phục những thiếu sót, bất cập trong pháp luật và Luật Tố cáo phải thực hiện chức năng này.

 

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng chỉ ra một số mâu thuẫn trong Dự thảo Luật Tố cáo. Trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật không quy định giải quyết tố cáo với người đã nghỉ hưu nhưng trong Điều 4 về xử lý thì lại quy định xử lý cả cán bộ đã nghỉ hưu. Trong khi trên thực tế, Bộ luật Hình sự không phân biệt công chức hay nghỉ hưu, mà xử lý cả cán bộ hưu, do đó Luật Tố cáo phải quy định việc này.

“Nếu không đưa quy định vào luật này có nghĩa chúng ta đã cắt bỏ cửa đầu tiên để xử lý những cán bộ về hưu. Đây là mong đợi của nhân dân và hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, không thể để tháng này dân gửi đơn tố cáo cán bộ chưa xử lý, tháng sau dân gửi đơn tiếp thì nói cán bộ kia đã nghỉ hưu rồi nên không giải quyết nữa”, ông Hiểu nói./.