Khi người lao động “từ bỏ” quyền lợi
Ở tuổi 43 nhưng chị Hoàng Thị Huệ (nhà ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu) già hơn tuổi rất nhiều. Cuộc sống lam lũ, vất vả hằn lên trên gương mặt của chị.
Người phụ nữ này cũng vừa đến BHXH Quỳnh Lưu để xin được rút BHXHmột lần, dù trước đó chị chỉ mới đóng BHXH được 4 năm và số tiền được rút một lần không đáng là bao, chưa đến 15 triệu đồng. “Tôi trước đây làm công nhân tại một công ty TNHH và chủ yếu chỉ làm công việc vệ sinh, thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng. Làm được 4 năm, tôi được công ty trả lương và đóng bảo hiểm đầy đủ nhưng gần đây công ty có cắt giảm nhân công nên tôi phải nghỉ việc gần 1 năm nay. Từ đó đến nay, tôi không có việc làm, cuộc sống của ba mẹ con chỉ trông vào mấy sào ruộng và “ai thuê gì làm nấy” nên rất bấp bênh, không còn khả năng đóng bảo hiểm hàng tháng”, chị Huệ cho biết.
Hiện gia đình chị Huệ cũng được xếp vào diện hộ nghèo bởi chồng chị đã mất nhiều năm, hai con đang học phổ thông, chi phí mỗi năm khá tốn kém. Với hoàn cảnh của mình, chị Huệ được Nhà nước hỗ trợ 30% khi tham gia BHXH tự nguyện nhưng chị vẫn quyết định rút, vì khoản tiền đóng mỗi tháng dù chỉ hơn 100.000 đồng nhưng vẫn là số tiền mà chị khó xoay xở.
Một trường hợp khác cũng được lãnh đạo của BHXH huyện Quỳnh Lưu trực tiếp tư vấn là chị Trần Thị Lương, nhà ở xã Quỳnh Hồng mới từ Bình Dương trở về. Chị Lương năm nay mới 21 tuổi và mới đóng BHXH 1 năm nhưng vẫn quyết tâm rút BHXH một lần với lý do “nghỉ sinh nên không có thu nhập”.
Qua tiếp xúc với rất nhiều lao động đến để rút BHXH một lần, bà Hồ Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Có nhiều đối tượng khác nhau đến để xin rút BHXH một lần. Tuy nhiên, với những đối tượng ngoài 30 tuổi, có nhiều năm công tác khi chúng tôi tư vấn họ sẽ cân nhắc việc có nên rút hay không. Nhưng với những lao động trẻ tuổi, họ thường thích rút “tiền tươi” thay vì nghĩ đến quyền lợi lâu dài”.
Quỳnh Lưu là một trong những địa phương có số lao động xin rút BHXH một lần đông nhất tỉnh với số lượng hơn 1.000 người, tăng khá nhiều so với các năm trước.
Theo đại diện của đơn vị, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến người lao động không còn mặn mà với việc đóng BHXH, trong đó nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh, người lao động bị mất việc, không có việc làm hoặc là lao động từ các tỉnh có dịch ở phía Nam trở về nhiều. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp lao động chưa thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH lâu dài, muốn rút BHXH một lần để có một khoản tiền trước mắt để sử dụng.
Tại cơ quan BHXH huyện Hưng Nguyên, từ đầu năm đến nay cũng đã có 367 lượt người đến xin rút BHXH một lần. Dù con số này so với nhiều địa phương khác chưa quá nhiều nhưng đây cũng là một điều khá băn khoăn với những người làm công tác BHXH. Trong khi đó, số người quay trở lại tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ mới có 19 người.
Vợ chồng chị Lê Thị Kim Anh và anh Nguyễn Văn Thắng (xã Hưng Thái -Hưng Nguyên) đều đã có trên 10 năm tham gia BHXH. Đầu tuần này, chị Kim Anh đã đến cơ quan BHXH của huyện để xin rút BHXH của 1 trong 2 người với lý do “chờ đến khi có lương thì còn khá lâu”.
Điều đáng nói, dù cả hai đã nghỉ ở cơ quan cũ hơn 1 năm và nay đã có công việc mới nhưng cả hai vợ chồng đều chần chừ chưa đóng lại BHXH vì chưa hiểu được đầy đủ quyền lợi. Sau khi được nhân viên ở cơ quan BHXH tư vấn, đưa ra những lý do khiến người lao động có thể “thiệt hơn, thiệt kép”, chị Kim Anh đã tạm dừng chưa xin rút một lần để về xem xét lại.
Cần cân nhắc kỹ
Theo tổng hợp của BHXH Nghệ An, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 14.800 trường hợp người lao động đến xin rút BHXH một lần. Trong số này, có khoảng 3.300 lao động đang làm việc trong tỉnh; còn lại là lao động làm việc ngoài tỉnh. Cũng qua tổng hợp, trong số những lao động rút BHXH một lần, số lao động có thời gian đóng dưới 5 năm chiếm đa số với hơn 12.000 người, hơn 1.900 lao động có thời gian đóng trên 5 năm và dưới 10 năm. Đặc biệt, có hơn 600 lao động đã có thời gian đóng trên 10 năm vẫn xin rút BHXH.
Đây là một thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ khi thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Việc rút BHXH một lần cũng sẽ dẫn đến những “thiệt đơn, thiệt kép” cho người lao động. Cụ thể, trước đó BHXH Việt Nam cho rằng, nếu người lao động hưởng BHXH 1 lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Trong khi đó, nếu người lao động đóng đủ năm BHXH, ngoài có một khoản lương để hỗ trợ người lao động khi về hưu thì người lao động còn được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tử tuất.
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay chính sách BHXH tự nguyện khá linh hoạt cho người lao động muốn đóng BHXH. Trong trường hợp nếu người lao động ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, người lao động vẫn có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT giúp chăm sóc sức khỏe khi về già.
Trước thực trạng này, thời gian qua cơ quan BHXH tỉnh cũng đã tăng cường các giải pháp tuyên truyền để người lao động thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm và hạn chế rút BHXH một lần. Đơn vị cũng thành lập các tổ tư vấn tại điểm giao dịch một cửa hoặc tư vấn trực tiếp cho người lao động khi đến giải quyết các chế độ chính sách.
Đại diện của cơ quan BHXH tỉnh cũng cho rằng, thời gian này, người lao động cần cân nhắc khi rút BHXH một lần bởi sắp tới Chính phủ sẽ bàn về nội dung của Luật BHXH sửa đổi và một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này là xem xét về việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm. Qua đó, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.