bna_555401749293_1072019.jpegQuang cảnh kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Thành Cường

Thảo luận tại hội trường sáng 11/7 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu Lục Thị Liên - Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, thời gian qua, vùng miền núi, dân tộc luôn được HĐND, UBND tỉnh quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và dành sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Thực tiễn, tình hình kinh tế - xã hội và bộ mặt vùng miền núi, dân tộc ngày càng có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, vấn đề được đại biểu Lục Thị Liên băn khoăn, đó là mặc dù vùng miền núi, dân tộc chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên và chiếm 36% dân số toàn tỉnh, nhưng đây vẫn là vùng khó khăn nhất. Kinh tế - xã hội phát triển chậm; điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 80,1% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (41.406/51.949 hộ).

Đại biểu Lục Thị Liên cho rằng, chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được rút ngắn. Ảnh: Thành Cường
Cá biệt, có một số địa phương có số hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tổng số hộ nghèo cao, chiếm 50 - 60%; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Một trong những nguyên nhân, theo đại biểu Lục Thị Liên, là dù nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng không nhỏ, bình quân mỗi năm khoảng 700 - 800 tỷ đồng, nhưng phần lớn đang nghiêng về đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông.

Nguồn vốn cho phát triển sản xuất còn rất hạn chế, chưa tạo được bước bứt phá về xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn; đại đa số người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa chưa có sinh kế và nguồn thu nhập ổn định.

Từ thực tế này, đại biểu Liên đề nghị HĐND, UBND tỉnh vào cuộc chỉ đạo, bên cạnh nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đến tận người dân, thay đổi nhận thức, ý chí vươn lên của chính người dân thì cũng cần giải quyết bất cập trong cân đối, phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa xây dựng hạ tầng với hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có quy mô, tạo cơ sở nguồn thu nhập thực tế, ổn định cho người dân.

Bản làng người Khơ mú. Ảnh tư liệu: Hồ Phương

Song song với đó có cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế miền núi, trong đó ưu tiên đầu tư những liên kết mang tính kết nối thị trường giữa các trung tâm kinh tế lớn và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thu hút doanh nghiệp đầu tư, để từ đó hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm cho các tiểu vùng và toàn vùng đối với các sản phẩm chủ lực của vùng miền núi như nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch văn hóa, dịch vụ; đồng thời có chính sách đầu tư đủ mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản.

Đại biểu Lục Thị Liên cho rằng, khi có những giải pháp đột phá về nguồn lực đầu tư và đổi mới phương pháp tiếp cận vùng thì các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng miền núi, dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Đề án 2355 của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ phát huy hiệu quả.