Tại phiên thảo luận tổ chiều 10/7, nhiều ý kiến đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An băn khoăn về tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. 

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 7,09%, thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2017, 2018 và thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm đề ra là 8,5%. 

bna_5913018380608_1172019.jpegÔng Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường

Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, theo đánh giá của Bộ Chính trị trên cơ sở ý kiến của các bộ, ban, ngành Trung ương thì trong những năm gần đây đánh giá mức độ chung, Nghệ An là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Năm 2017 đạt 7,19%; năm 2018 đạt 7,39%; 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,09%. 

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào thu hút đầu tư, chính vì vậy, các địa phương hiện nay đang tập trung vào lĩnh vực này. Và muốn có đột phá cao, bước nhảy lớn cần có những dự án tỷ USD trở lên, song đây là thứ Nghệ An đang thiếu.

Đối với công tác thu ngân sách của tỉnh, hiện nay quy mô nền kinh tế Nghệ An xếp thứ 11 cả nước, tuy nhiên còn khó khăn là thu ngân sách xếp thứ 17 cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Độ, hiện nay nhiều dự án đầu tư nhưng do đang hưởng các chính sách ưu đãi nên thu ngân sách chậm hơn; đồng thời cũng không loại trừ nguyên nhân thất thu. Tuy nhiên, trong thu ngân sách thì thu nội địa của tỉnh được đánh giá khá ổn định.  

Đối với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm không đạt kịch bản, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào 4 khu vực kinh tế là: nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ và thuế sản phẩm. 

Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Trân Châu

Trong 6 tháng đầu năm, nông nghiệp do tác động của bệnh dịch tả lợn châu Phi, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm nên điểm phần trăm đóng góp vào tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm của nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ và kịch bản tăng trưởng; chỉ có khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm năm nay đóng góp khá hơn.

Đề cập đến giải pháp 6 tháng cuối năm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bám sát Nghị quyết của HĐND tỉnh về vấn đề này với 9 nhóm giải pháp; đồng thời UBND tỉnh tiếp tục bám sát kịch bản tăng trưởng. 
Bên cạnh đó, “tư lệnh" các ngành và các địa phương phải quyết liệt cải cách hành chính và phải có hiệu quả. “Mình không cho phép mình chậm, thì dưới mới làm được nhanh”, ông Nguyễn Văn Độ nói.

UBND tỉnh cũng tiếp tục duy trì các tổ công tác để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đầu tư, thu ngân sách, các sản phẩm chủ lực.