bna_5554018317486_1072019.jpegQuang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, các đại biểu đã được nghe Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường báo cáo kết quả giám sát về công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2018 với 7 kết quả đạt được, 15 tồn tại và 19 đề xuất kiến nghị.

7 kết quả đạt được

Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 3 năm 2016 - 2018 đều đạt dự toán và có tốc độ tăng thu khá. Một số khoản thu như: thu từ tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân,… đạt số thu khá cao hàng năm.

Biểu đồ tốc độ thu ngân sách trong 3 năm 2016 - 2018 của tỉnh. Đồ họa: Hữu Quân

UBND tỉnh đã ban hành đề án Tăng thu ngân sách và kế hoạch phát triển nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020; chỉ đạo ngành Thuế triển khai nhiều biện pháp chống thất thu trong một số lĩnh vực có khả năng gây thất thu lớn như: kinh doanh xăng dầu, nhà hàng khách sạn, kinh doanh xe máy; ngành Hải quan triển khai các giải pháp chống thất thu qua giá, số lượng, mã hồ sơ, xuất xứ hàng hóa ngay tại khâu thông quan, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công tác nộp thuế và truy thu, truy hoàn và xử phạt vi phạm với tổng số tiền hơn 440 tỷ đồng; gắn với đôn đốc thu hồi, cưỡng chế nợ thuế trong 3 năm đạt 1.347 tỷ đồng.

15 tồn tại, hạn chế

Tốc độ tăng thu ngân sách chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất thì số thu nội địa năm 2017 và 2018 không hoàn thành dự toán được giao. Cụ thể năm 2017 đạt 8.328 tỷ đồng, bằng 96,5% dự toán và năm 2018 đạt 8.947 tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn thu ngân sách tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Đa số các địa phương mới chỉ quan tâm, nỗ lực phấn đấu ở mức hoàn thành các khoản thu trong cân đối ngân sách địa phương được hưởng và phấn đấu tăng thu cấp quyền sử dụng đất.

Công tác quản lý doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp hạch toán chi phí và doanh thu chưa đảm bảo Luật Kế toán, nhất là hạch toán tăng chi phí nhằm giảm lợi nhuận để giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Vẫn còn một số báo cáo lợi nhuận trước thuế âm liên tục nhiều năm liền, nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc đóng góp ngân sách không đáng kể.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường báo cáo kết quả giám sát về công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2018. Ảnh: Thành Cường
Công tác phối hợp quản lý thu ngân sách trong lĩnh vực khai thác khoáng sản như thu cấp quyền khai thác khoáng sản, phí môi trường,… chưa tốt. Các doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế theo trữ lượng kế hoạch trong khi khai thác thực tế cao hơn nhiều, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Thất thu thuế vẫn còn xảy ra nhiều ở các lĩnh vực đầu tư kinh doanh như dược, bất động sản, siêu thị, kinh doanh ô tô, xe máy, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh xăng dầu, nhà ở tư nhân, thuế đất phi nông nghiệp...

Việc xác định doanh thu tính thuế hàng năm theo Quyết định số 2371/QĐ-TCT ngày 18/12/2015 của Tổng cục Thuế chưa sát với tình hình thực tế hoặc có tình trạng “cào bằng” như: cùng lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên cùng tuyến phố có quy mô khác nhau nhưng xác định mức khoán doanh thu giống nhau; xác định doanh thu khoán thấp hơn so với thực tế kinh doanh của người nộp thuế (giá phòng các khách sạn niêm yết thấp hơn nhiều so với giá thực tế, nhất là giá của những ngày nghỉ lễ).

Công tác quản lý thu đối với hộ kinh doanh hiện nay theo phương pháp khoán doanh thu nhìn chung còn thấp so với doanh thu thực tế. Công tác quản lý các hộ kinh doanh cá thể chưa chặt chẽ, số liệu vẫn còn chênh lệch lớn với cơ quan Thống kê.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Theo tổng điều tra kinh tế năm 2017, toàn tỉnh có 158.921 hộ kinh doanh, trong đó có 69.172 hộ doanh thu trên 100 triệu đồng (thuộc đối tượng chịu thuế). Nhưng theo báo cáo ngành Thuế toàn tỉnh có trên 48.000 hộ kinh doanh và mới chỉ đưa vào quản lý 27.032 hộ thuộc diện chịu thuế.

Tình hình nợ đọng thuế toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 còn lớn và có xu hướng tăng qua các năm, trong đó nợ khó thu tăng nhanh, chiếm tỷ trọng gần 50% trong tổng số nợ đọng thuế.

19 kiến nghị, đề xuất

Trên cơ sở kết quả giám sát, HĐND tỉnh đưa ra đề xuất, kiến nghị 19 vấn đề tới UBND tỉnh và các ngành, các huyện, thành, thị xã và cơ sở.

HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các chỉ tiêu về thu ngân sách Nhà nước đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015 - 2020; các đề án tăng thu, đề án chống thất thu của tỉnh để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp tăng cường quản lý, khai thác nguồn thu, phấn đấu tăng thu ngân sách đạt mức cao nhất so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) theo hướng vừa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh, vừa phát huy tính tích cực của các địa phương trong việc phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước; đảm bảo ổn định số bổ sung cân đối ngân sách cấp huyện và cấp xã trong thời kỳ ổn định ngân sách, nhằm khuyến khích các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước.

HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát tổng thể hộ kinh doanh cá thể để đưa vào quản lý thuế, tránh bỏ sót các đối tượng lập bộ thuế. Ảnh: Mai Hoa

UBND tỉnh cần tham mưu Tỉnh ủy có cơ chế phối hợp chỉ đạo giữa cấp ủy cơ sở (huyện, thành phố, thị xã) với cấp ủy Đảng ngành Thuế nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thu NSNN; gắn với ban hành cơ chế phối hợp chỉ đạo giữa các ngành, các cấp ngành Thuế, Hải quan trong việc chỉ đạo đôn đốc thực hiện công tác thu NSNN.

Nâng cao chất lượng truyền thông và đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng tăng cường giáo dục, thuyết phục để người nộp thuế ý thức đầy đủ, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; gắn với phát triển các dịch vụ, hỗ trợ người nộp thuế trong việc kê khai thuế, nộp thuế.

Chỉ đạo rà soát tổng thể hộ kinh doanh cá thể để đưa vào quản lý thuế, tránh bỏ sót các đối tượng lập bộ thuế; đồng thời, rà soát tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, kiểm soát chặt chẽ đối tượng chịu thuế để quản lý theo dõi đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính công khai minh bạch, công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, chống thất thu thuế.

Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung các địa bàn trọng điểm, cũng như các doanh nghiệp kê khai báo lỗ nhiều năm liên tục nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp phát sinh doanh thu lớn nhưng không phát sinh thuế hoặc phát sinh không đáng kể; doanh nghiệp có khả năng về tài chính nhưng nợ thuế kéo dài; doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn nhưng kê khai nộp thuế thấp. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai kết quả xử lý; tăng cường thanh kiểm tra chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI có phát sinh hoạt động giao dịch liên kết.

Thực hiện phân loại các khoản nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp; đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài theo quy định của Luật Quản lý thuế; thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Pháp luật; phấn đấu giảm nợ đọng thuế, hạn chế nợ thuế phát sinh…