"Cần có biện pháp mạnh với thủy điện"
Chiều 10/7, phiên thảo luận tổ 5 của đại biểu HĐND tỉnh thuộc khu vực 3 huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn diễn ra rất sôi nổi. Tại đây, phần lớn các ý kiến nói về hệ lụy nghiêm trọng thủy điện gây ra đối với người dân 3 huyện này cũng như Nghệ An nói chung.
Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, thời gian qua mặc dù lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng việc giải quyết hệ lụy, tồn đọng của thủy điện vẫn còn rất lớn. “Chúng ta đã nói rất nhiều, hệ lụy của thủy điện là rất lớn. Bây giờ không chỉ xả lũ vào mùa lũ mà không có lũ cũng xả. Xả không đúng quy trình làm chết người”, ông Hải bày tỏ bức xúc và cho rằng cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh”.
Cũng theo ông Hải, Bộ Công Thương đã có thông tư quy định đối với những thủy điện nhỏ, phải di dời ít hộ dân thì mới được phê duyệt xây dựng. “Một số nhà máy vì thế đã "lách luật" bằng việc đánh giá tác động môi trường sai, để di dời ít hộ dân hơn, vừa được phê duyệt triển khai vừa đỡ tốn kém khi di dời”, ông Hải nói và cho rằng, cần phải rà soát lại công tác đánh giá tác động môi trường ở các nhà máy thủy điện.
“Thủy điện làm ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu hạ tầng, làm trôi và hư hại rất nhiều đường sá và nếu không tìm ra giải pháp, thời gian tới sẽ tiếp tục. Bây giờ cấp ủy, chính quyền địa phương có thủy điện lại lo nơm nớp mỗi khi thủy điện xả lũ, trong khi hầu như ngày nào cũng có đơn thư của người dân khiếu nại liên quan thủy điện”, Bí thư Huyện ủy Tương Dương nói và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm phê duyệt điều chỉnh phương án vận hành liên hồ chứa, đồng thời phê duyệt phương án phòng, chống mưa lũ...
Cùng quan điểm với ông Hải, ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, lãnh đạo huyện cũng đang “rất đau đầu” vì các nhà máy thủy điện. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 2 dự án thủy điện “quy hoạch treo” trong gần 10 năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Trong khi địa phương nhiều lần kiến nghị dừng dự án này nhưng Bộ Công Thương vẫn không đồng ý.
“Chúng tôi cứ băn khoăn 2 dự án thủy điện này có triển khai được không và triển khai thì bao giờ xong. Hay là cứ treo mãi như thế. Chúng ta chả lẽ không có giải pháp gì. Người dân sống trong quy hoạch treo hiện đang rất khổ sở vì không được đầu tư hạ tầng”, ông Hoàng bức xúc.
Ngoài ra, trong đợt mưa bão năm 2018, khi Thủy điện Bản Vẽ tích nước khiến mực nước dâng ngập nhà dân ở xã Mỹ Lý. Sau đó thủy điện bất ngờ xả lũ mạnh khiến 19 nhà dân bị trôi tuột xuống lòng hồ. Nhưng sau đó nhà máy thủy điện không chịu bồi thường dù chính quyền nhiều lần đề nghị.
“Các hộ dân khi đánh giá tác động môi trường không nằm trong diện đền bù nhưng khi tích nước thì lại bị ngập rồi hư hỏng nhà cửa. Chúng tôi nhiều lần làm việc với thủy điện giống như đi xin vậy mà không được. Phải nói rõ đây không phải là hỗ trợ mà là đền bù, là trách nhiệm của thủy điện”, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn gay gắt nói.
Còn ông Phan Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, mặc dù vừa lên Tương Dương nhận công tác được nửa năm nhưng ông cũng thấy rõ hệ lụy quá nặng nề của thủy điện. Trong khi công tác bồi thường được triển khai chậm chạp. “Một tháng tôi tiếp dân 2 lần, và phần lớn đều thắc mắc về công tác bồi thường liên quan thủy điện, trong khi nó không thuộc thẩm quyền của huyện. Với riêng Thủy điện Khe Bố, tôi làm việc 2 lần và đưa ra 26 nội dung lớn nhỏ để giải quyết, có thời hạn giao đầy đủ cho thủy điện và cơ quan liên quan nhưng chậm vẫn hoàn chậm”, ông Sơn nói.
Tham gia phát biểu tại thảo luận tổ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho hay, thiệt hại trong những đợt lũ vừa qua là quá lớn và chắc chắn nguyên nhân cơ bản đến từ các nhà máy thủy điện. “Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc nhiều lần và quan điểm là kiên quyết nói không với phát triển mới các dự án thủy điện”, đồng chí Nguyễn Văn Thông nói và cho hay, Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu gắt gao nhà máy thủy điện, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm với thiệt hại của bà con sau các đợt lũ.
“Qua kiểm tra thì các thủy điện xả lũ đều đúng quy trình. Nhưng tại sao đúng quy trình lại gây thiệt hại lớn đến như vậy. Điều đó cho thấy vấn đề nó nằm ở cái quy trình”, đồng chí Nguyễn Văn Thông nói.
Cho rằng “quy trình vận hành thủy điện có vấn đề”, Thường trực Tỉnh ủy đã đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng điều chỉnh kế hoạch tích nước xả lũ của các nhà máy trên địa bàn gửi ra bộ, ngành Trung ương phê duyệt. Tuy nhiên đến nay, việc điều chỉnh vẫn chưa được phê duyệt. “Nếu không có động thái gì, nguy cơ vài tháng tới đây, khi mùa mưa lũ tới, người dân sẽ lại tiếp tục chịu cảnh màn trời chiếu đất", Phó Bí thư Tỉnh ủy nói và đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn với thủy điện. Phải có biện pháp mạnh, dựa trên trách nhiệm pháp lý để yêu cầu thủy điện chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận tổ này, các đại biểu còn tập trung vào những vấn đề nóng mà Báo Nghệ An đã phản ánh thời gian qua. Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông báo động về tình trạng buông lỏng trong công tác hoàn thổ, tạo ra những cái bẫy chết người như vụ chết đuối của 5 học sinh ở huyện Yên Thành mới đây, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp nghiêm túc trong công tác này.
Trong khi Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải bày tỏ lo lắng về tình trạng sạt lở ở các huyện miền núi. Đặc biệt là ở bản Phá Kháo (xã Mai Sơn), khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn mà Báo Nghệ An có bài phản ánh hơn 1 tháng trước.