(Baonghean) -Tôi đã luôn nghĩ như vậy, rằng thật may mắn khi Vinh có dòng Lam. Những dòng sông chảy qua thành phố- chỉ cần nghĩ thế thôi, đã gợi nên biết bao nhiêu mơ mộng. Bao nhiêu thành phố trên thế giới này, nhờ có con sông chảy qua, có cây cầu soi bóng, mà được nhắc tên, mà được người ta nhớ đến?

Vinh, đặc biệt hơn, không chỉ bởi có dòng Lam, có cầu Bến Thủy, mà còn bởi, chính tại điểm này, là ranh giới của 2 vùng đất, 2 vùng đất vẫn thường được gọi chung tên: xứ Nghệ. Trải qua bao thế kỷ, bao sự chuyển dời, cách phân vùng và đặt tên có khác, nhưng hai mảnh đất, hai hồn đất, gần gũi khăng khít như một. Qua cầu Bến Thủy, sông Lam được gọi là sông La nhưng chúng đơn giản cùng là một dòng đổ ra biển. Chiếc cầu hay dòng sông, về khía cạnh nào đó, chỉ là một thứ ranh giới mong manh để tạm phân chia về mặt địa lý những vùng đất lân cận.

Không biết tôi đã qua cầu Bến Thủy bao lần, lặng lẽ cùng nó bao đêm ngắm nhìn những con sóng, tựa cằm trên thành cầu, tay chạm vào những song sắt lan can, nghe tiếng rung lắc của nó trong ầm ì tiếng xe qua. Và dưới mặt sông kia, tôi luôn nhìn thấy ánh lửa chài nhỏ nhoi nhưng vô chừng ấm áp giữa không gian rì rào sóng nước. Cái ánh đèn chừng như xa cách lắm với ánh điện  đang rực sáng trên cầu Bến Thủy.

Gia đình người dân chài nào đó, tưởng như không cần biết tới một cuộc sống ồn ào náo động, tràn ngập ánh sáng phù hoa chỉ cách họ mấy con sào. Họ bình thản thắp lên ngọn đèn dầu, ăn bữa cơm tối, người vợ gắp cho chồng một món gì đó  và tôi cảm giác như họ mỉm cười trong khoang thuyền bé nhỏ chừng 2 mét vuông… Đã có lần tôi nói với người con trai đi bên mình thời thanh xuân xa lắc ấy: “Em cũng vậy, chỉ cần một con thuyền nhỏ!” Tôi đã nhận được cái ánh nhìn đầy ấm áp và bao dung. Ánh mắt ấy như nói với tôi: “Rồi em sẽ thấy, cuộc sống không hề đơn giản vậy. Nhưng ý nghĩ ấy mới ngộ nghĩnh và đáng yêu làm sao!”

Nhưng, đó là khi tôi đã lớn lên…

Tôi còn có cho mình cả dòng sông, cây cầu từ những ngày thơ nhỏ. Thơ nhỏ và hồn nhiên đến mức luôn nghĩ rằng, chả bao giờ mình đi xa khỏi nó.  Hôm ngoại mất, tôi mê man chạy như mộng du về phía cầu, thả đồng xu màu bạc ngoại cho tôi xuống sông, để dòng nước mềm mại vuốt ve kỷ vật ấy cùng nỗi buồn đang cháy trong lòng tôi. Có lần từ bên kia Nghi Xuân vội vàng đạp xe về Vinh đi qua cầu đúng vào lúc trời nổi giông. Chiếc mũ nan quai lỏng bay xuống dòng nước, làm tôi khóc cả đêm ấy.

Cũng có hôm mải chơi trên cầu, lũ học sinh cấp 3 bọn tôi trở về nhà lúc trời đã tối và hôm sau ra sức “khoe” nhau bị mẹ mắng, bà giận. Một câu chuyện mà chúng tôi thường kể lại làm vui cho nhau là chuyện tình yêu của chị gái một đứa trong lớp.

Chị Hà là một thiếu nữ không quá đẹp nhưng có duyên, nhà ở gần chợ Vinh, yêu một chàng trai người Can Lộc. Có lần hai người đã thề nguyện yêu nhau bằng cách khóa tay nhau lại bởi một sợi dây xích rồi lên cầu Bến Thủy ném chìa khóa xuống sông. Chúng tôi nghe chuyện, cười như pháo rang và mỗi lần rủ nhau lên cầu thường đùa vui: “Đố mi tìm thấy chìa khóa của chị Hà đấy!”.

images1496324_bna_56fe6dec5d98e.jpgHoàng hôn trên cầu Bến Thủy.

Đầu cầu Bến Thủy thường là điểm hẹn của lũ chúng tôi để ngày cuối tuần hay một chiều nghỉ học nào đó rủ nhau đi dọc bờ sông Lam hái hoa dại hoặc nhìn ngắm những ngư dân quăng lưới bắt cá. Có lẽ lũ bạn không để ý, nhưng tôi thì còn nhớ mãi mùi ngai ngái nồng nồng của sông Lam những chiều hè. Tôi tin rằng mỗi vùng đất, mỗi dòng sông đều có mùi hương riêng của chúng, và cái mùi ngái nồng của sông Lam cho tôi cảm giác mình đang được hòa quyện vào đất trời xứ Nghệ, mình thực sự là một phần của xứ Nghệ yêu thương.

Rồi chúng tôi lớn dần, cùng với đó là việc thấy dòng sông ngăn hai tỉnh dường như không còn rộng như trước nữa, hai bờ như gần hơn và việc đi lại hai bên thành quen. Mọi thứ dễ trở nên quen đến mức chúng ta không còn ngẫm nghĩ về nó nữa.

Phần nhiều trong cuộc đời, chúng ta thường nghiễm nhiên làm mọi việc mà không ý thức rằng tất cả đang chảy trôi, mỗi một mối quan hệ, một quãng thời gian đều có giá trị của riêng nó, nối tiếp nhau như những nhịp cầu. Có nhịp cầu vui, có nhịp cầu buồn, có nhịp cầu trẻ thơ, có nhịp cầu trưởng thành, nhịp cầu khát vọng, yêu thương, đau khổ hay hạnh phúc…

Tôi cũng vậy, cứ sống mà không hề biết mỗi con sóng dưới gầm cầu đều gợn một nỗi niềm nếu chúng ta lắng nghe chúng. Tôi không biết rằng chiếc mũ nan năm nào đánh rơi xuống sông trong buổi trời đất giông gió, làm mẹ giận tím mặt không phải vì tôi làm mất thứ che nắng che mưa mà bởi đó là vật kỷ niệm gắn với những ngày cuối cùng của ngoại. Tôi cũng không biết cho đến tận sau này, rằng người con gái tên Hà duyên dáng khi xưa đã có một cuộc đời bất hạnh sau khi chia tay chàng trai Can Lộc ngày ấy…

Mãi sau này tôi cũng mới được nghe kể lại chuyện người Trưởng phà Bến Thủy những năm 60, 70 của thế kỷ trước - nhà thơ Nguyễn Đăng Chế, người con của đất Yên Thành. Những câu chuyện thời chiến xa lạ với không khí của thế hệ chúng tôi, nhưng đã khiến tôi và lũ bạn vô cùng xúc động.

Trên khắp đất nước này, các bến phà, các con đò chở khách sang sông sẽ dần được thay thế bằng những cây cầu mới. Nhưng, những cây cầu, sự vô hình của chúng trong lịch sử lại là sự nhắc nhớ sâu sắc nhất về quá khứ, và trên những chiếc xà lan Bến Thủy năm nào, máu, mồ hôi và nước mắt của những chiến sỹ anh dũng như Nguyễn Đăng Chế đã in bóng xuống dòng sông, mãi mãi còn đó chừng nào Lam Giang còn chảy, Hồng Lĩnh còn in vào nền trời.

Nguyên Trưởng phà Bến Thủy với hồi ức xa xăm.

Hơn 10 năm rồi, tôi xa Vinh. Xa luôn cả dải đất hình chữ S thân thương mà nhiều đêm trong mơ tôi thổn thức chạy về như đứa trẻ ngơ ngác tìm đôi bầu vú mẹ. Những cây cầu đẹp lung linh như Stari Most hay Chapel, Rialto hay Ponte Vecchio tôi đã có dịp ngang qua, không bao giờ lấp đầy được khoảng trống trong tâm trí tôi khi luôn thấy thiếu vắng một Bến Thủy và dòng Lam Giang trong những năm tháng tha hương. Chắc hẳn cầu Bến Thủy đã khác xưa nhiều, được xây dựng và tu bổ vững chãi, khang trang hơn.

Và hẳn rằng nhiều thế hệ vẫn lớn lên ở Vinh, ở Nghi Xuân, hồn nhiên rạng rỡ trong tuổi học trò của họ để một ngày kia chạnh lòng nhớ lại một góc sông, một nhịp cầu. Cuộc sống vẫn tiếp diễn theo cách của nó, nhưng quan trọng là trong mỗi chúng ta, phải luôn nối được những nhịp cầu với cội nguồn, quá khứ và tình yêu thương.

Nếu được về Vinh lúc này, tôi sẽ ra thắp hương và trồng mấy khóm cúc vàng trên mộ ngoại. Tôi sẽ khẽ khàng mở chiếc cổng sắt han gỉ, chạy vào bếp ôm lấy vai mẹ từ phía sau lưng, khóc mà nói với bà rằng hãy tha lỗi cho tôi, cho sự tha hương và cả những dại khờ thuở nhỏ của tôi. Rồi tôi sẽ đi bộ lên cầu Bến Thủy, dựa người vào thành cầu, thì thầm bài hát về sông Lam để tìm lại một mái chèo thiên thu…

T.V