Ngày lễ hướng về cội nguồn
Trong truyền thống dân tộc, ngày Rằm tháng Bảy vừa là ngày lễ Vu Lan, vừa là ngày “xá tội vong nhân”. Theo tín ngưỡng dân gian, tối 14, sáng ngày 15/7 âm lịch hàng năm, "cửa Quỷ Môn Quan" sẽ được mở để cho "các vong hồn lưu lạc nơi âm phủ" trở lại trần gian đoàn tụ với người thân. Do đó vào ngày này, dân gian thường tổ chức cúng lễ Xá tội vong nhân để cầu siêu cho các vong hồn lưu lạc, không nơi nương tựa. Lễ Xá tội vong nhân cũng là dịp để con cháu chốn dương trần tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên đã khuất bằng nhiều hoạt động truyền thống.
Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Ông đã nghe theo lời chỉ bảo của Đức Phật, đến ngày Rằm tháng Bảy cùng mọi người sắm lễ vật, thành tâm cầu nguyện đã cứu được mẹ khỏi kiếp tù đày ở “ngã quỷ”. Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã "hóa thân" vào nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt. Lễ Vu Lan trùng với Rằm tháng Bảy -tết Trung nguyên của dân tộc.
Lễ Vu Lan báo hiếu thể hiện lòng thành kính đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, nhằm khuyên con người biết trân trọng những gì mình đang có hiện tại và làm nhiều việc thiện khi còn sống, còn lễ Xá tội vong nhân là lễ cầu siêu cho các vong hồn không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Với những giá trị tinh thần to lớn, lễ Vu lan đã góp phần duy trì và củng cố đạo đức gia đình, đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con của mọi người. Chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá về nhân phẩm con người, trở thành đạo lý cao đẹp trong truyền thống của dân tộc ta.
Cùng với đó, "xá tội vong nhân” là quan niệm bao dung, vừa là tình cảm dành cho những người không may mắn, vừa thể hiện lòng vị tha đối với đồng loại. Hằng năm, đến ngày Rằm tháng Bảy - lễ Vu Lan - tết Trung Nguyên mọi người lại hướng về gia đình, quê hương, dòng tộc để bày tỏ tấm lòng yêu kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, Đức Phật…
Rằm tháng Bảy đã đi vào tâm thức người Nghệ như một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm: “Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên (cúng Đức Phật của phật tử), cúng các vong hồn, ngày Rằm còn là dịp để các gia đình, các dòng họ đoàn tụ, sum vầy. Vì thế, dịp này nhiều vùng quê xứ Nghệ như ở Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… đã tổ chức làm Rằm, ăn Rằm với không khí nhộn nhịp, tưng bừng.
Tùy phong tục tập quán, mà việc cúng Rằm, ăn Rằm ở mỗi địa phương có những nét riêng. Anh Hà Huy Nam (31 tuổi) ở xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) cho biết: “Rằm tháng Bảy này, anh em họ tộc nhà em tổ chức cúng tế ở nhà thờ chi. Chiều 14 con cháu đi thắp hương trên núi Động Sơn mời ông bà về ăn Rằm. Sáng ngày 15, anh em sẽ tập trung về nhà thờ bàn soạn mâm cỗ để cúng tế. Mọi người chung tay làm gà, làm lợn, nấu xôi… rất vui vẻ”.
Nghi lễ tế Rằm tháng Bảy ở nhà thờ họ Trần Võ xã Thanh Đồng (Thanh Chương). Video: Huy Thư |
Anh Đặng Thành Công (32 tuổi) ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) chia sẻ: “Rằm tháng Bảy là tết Trung nguyên cổ truyền của dân tộc. Ở quê tôi, thường thì mỗi nhà đội 1 cỗ xôi gà về nhà thờ họ để cúng Rằm. Nhiều họ cúng vào trưa 14, có họ lại cúng vào trưa 15. Sau khi cúng xong, phá cỗ, một số dòng họ tổ chức phát quà quỹ khuyến học cho con cháu có thành tích trong học tập. Vào ngày này, các ngôi đền trong xã cũng được các xóm tổ chức tế Rằm, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân làm ăn gặp nhiều may mắn”.
Không khí chuẩn bị đón Rằm tháng Bảy thể hiện rõ nhất ở chợ quê. Từ ngày 13 tháng Bảy âm lịch, các chợ quê đã nhộn nhịp khác thường và ngày 14 đang là đông vui nhất, người người đi chợ sắm Rằm. Hoa quả, trầu cau là những lễ vật quan trọng để cúng Rằm, dù hiếm hay đắt đến đâu, nhà nào cũng phải sắm cho bằng được. Những buồng cau đẹp ở khắp các vườn nhà dân, dịp này đều được tập trung về chợ ngày Rằm.
Thực phẩm cúng lễ ngày Rằm không thể thiếu món gà luộc. Các bà, các mẹ luôn cố tìm để mua được những con gà trống vườn đồi thịt săn chắc về làm cỗ. Chợ Rằm khác chợ thường không chỉ đông người và số lượng hàng hóa tăng đột biến, mà điều dễ nhận thấy nhất là hàng hoa quả, hàng mã có đông người bán, kẻ mua… Để chuẩn bị tươm tất cho Rằm tháng Bảy, với quan niệm “Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”, người dân khắp các làng quê xứ Nghệ đều nhộn nhịp đi chợ đón Rằm.
Giữ gìn những chuyến hành hương "về nguồn" ấm áp
Chuẩn bị Rằm tháng Bảy, những người con xứ Nghệ học tập, lao động, sinh sống xa quê đều hướng về quê hương. Các năm trước, dịp này, những chuyến bay, những chuyến xe… khắp các vùng miền lại hối hả trên hành trình “về nguồn” ấm áp. Năm nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong nước đang phải cách ly, người đi xa cũng không thể về Rằm một cách “bình thường”, đặc biệt là những nơi tâm dịch.
Do đó, việc đón Rằm tháng Bảy năm nay với nhiều người con xa quê, ở cả trong và ngoài nước sẽ không giống mọi năm. Anh Đào Danh Long (28 tuổi) quê ở xã Đông Sơn (Đô Lương) đang làm việc tại tỉnh Gunma (Nhật Bản) chia sẻ: Em xa quê đã 5 năm, dự định dịp này về đúng Rằm tháng Bảy, nhưng do dịch bệnh, nên không thể về được. Những ngày gần Rằm này, theo dõi trên mạng xã hội thấy quê hương chuẩn bị đón Rằm mà thấy nhớ nhà, nhớ quê vô kể”.
Vui Rằm tháng Bảy, thường là chiều 14, anh em trong các gia đình, họ tộc sẽ đến nghĩa trang thắp hương cho người đã khuất, “mời” tổ tiên, người thân về gia đường sum họp. Bên cạnh việc mua sắm thực phẩm, nhà nào cũng lo sửa sang, bài trí bàn thờ, bày mâm ngũ quả... Ngày xưa, mỗi dịp Rằm về, các nhà thường chung nhau mổ lợn, xay nếp thật nhiều. Ngày nay, cái “ăn” không còn đặt nặng như xưa, nhưng mọi người vẫn chuẩn bị chu tất cái “lễ” bằng cả tấm lòng thành kính.
Mâm cỗ ngày Rằm thường là mâm cỗ mặn với đầy đủ các món, do các chị, các mẹ tự tay chế biến, nhưng không thể thiếu “xôi hông, gà luộc”. Gia đình phật tử còn bày soạn thêm mâm cỗ chay để cúng Đức Phật. Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, do đó trong mâm cỗ ngày Rằm còn có thêm gạo, muối, hạt nổ, cháo hoa... để ban phát cho những cô hồn lưu lạc.
Cúng Rằm ở các gia đình hay nhà thờ họ là một nghi lễ quan trọng trong ngày Rằm tháng Bảy. Mọi gia đình đều cúng thần - Phật trước, nếu không phải gia đình phật tử thì cúng thổ công trước, rồi mới đến cúng gia tiên. Sau khi chuẩn bị mâm cỗ tươm tất, bàn soạn chu đáo, con cháu nội ngoại tập trung chỉnh tề tại gia đường, nghe đọc văn tế, tưởng nhớ tiền nhân, thắp hương vái lạy thần, Phật, tổ tiên, cầu mong sức khỏe bình an, may mắn.
Mỗi dịp cúng Rằm cũng là thời điểm để mọi người quây quần, giao lưu, trao đổi về nguồn gốc, vai vế họ hàng, huyết thống, thăm hỏi sức khỏe, công việc làm ăn, học hành của con cháu gần xa. Việc phá cỗ, phát lộc, ăn Rằm cũng diễn ra trong không khí quây quần, đầm ấm.
Rằm tháng Bảy - Tết Trung nguyên - lễ Vu Lan báo hiếu là ngày để mọi người hướng về nguồn cội, gia đình, quê hương, dòng tộc với tình cảm thiêng liêng, trân quý. Qua cả nghìn năm, nét đẹp truyền thống, nhân văn này đang được người dân khắp các miền quê xứ Nghệ gìn giữ, hun đúc, trên tinh thần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền.
Màn trống tế Rằm tháng Bảy ở tại nhà thờ họ Thái xã Xuân Thành (Yên Thành). Video: Thái Tuấn |