Sinh ra và lớn lên tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Hà Huy Đức Thành được sống trong không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người Thái miền Tây Nghệ An. Cậu bé miền núi nghèo từ nhỏ đã ấp ủ ước mơ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ nhỏ, Thành được nghe ông bà kể lại cách thức người Thái dùng các loại lá cây trong rừng để làm men nấu rượu.
Trước tác động của cuộc sống hiện đại, truyền thống tự làm men rượu từ lá cây rừng đang có nguy cơ mai một và đi vào quên lãng. Để nghề làm men lá phục hồi và phát triển thành những làng nghề, giúp đồng bào dân tộc Thái ở miền núi thoát nghèo bền vững, Thành nảy sinh ý tưởng nghiên cứu cách thức làm men từ lá cây rừng và trình bày cho cô giáo dạy bộ môn Sinh học để được giúp đỡ. Cô giáo lập tức đồng ý và ủng hộ bằng cách cử thêm một bạn đồng hành cùng em hoàn thành công trình nghiên cứu.
Các em mày mò tìm hiểu các loài lá tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An. Ảnh: QP Trải qua gần một năm nghiên cứu tài liệu, đi thực địa từ xã Đôn Phục, Môn Sơn huyện Con Cuông đến xã Tam Hợp, Tam Thái huyện Tương Dương, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu được 14 loại lá cây có khả năng làm men rượu. Trong đó, có nhóm cây trong vườn như: mía, mít, trầu không… còn lại là những lá cây trong rừng như: sa nhân, cam thảo, gừng gió, riềng rừng, sâm cau…
“Khó khăn lớn nhất trong quá trình tìm kiếm các nguyên liệu chính là vấn đề về nhận biết các loài lá. Thực tế rằng, trong rừng ở khu vực các huyện như: Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn rất đa dạng các loài cây, lá khác nhau. Cùng với đó là việc phân bổ các loài cây cũng hết sức phức tạp. Vì thế, có những loài lá chúng em phải mất hàng tháng trời mới có thể tìm ra được", em Thành cho biết thêm.
Sau khi đã thu hái đủ các loại lá cây, các em tiếp xúc với những người già có kinh nghiệm để tìm hiểu, thu thập phương pháp, quy trình chế biến lá cây thành men, quá trình nấu cơm, ủ và nấu thành rượu. Sau khi đã có cơ sở lý thuyết, các em đã tự tay tiến hành quy trình tại phòng thí nghiệm của nhà trường.
“Các em đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành công trình của mình không chỉ bằng niềm đam mê khoa học mà còn là tình yêu, niềm tự hào sâu sắc về những tinh hoa văn hóa quý giá của chính dân tộc mình”, cô Lương Thị Ngọc Hoàn, giáo viên hướng dẫn chia sẻ.
Mất rất nhiều thời gian và công sức để đầu tư cho công trình nghiên cứu. Ảnh: QP Khi sản phẩm rượu ra lò, các em được sự giúp đỡ của cô giáo hướng dẫn gửi mẫu tới Trung tâm kỹ thuật số 2, thành phố Đà Nẵng để kiểm định. Kết quả thu được là chỉ số men đạt tiêu chuẩn theo TCVN 8275-2:2010, TCVN 8008-2009 và AOAC 972.07-2006.
Với kết quả kiểm định hết sức ấn tượng cùng tính thực tiễn cao của công trình, Hội đồng Khoa học trường THPT DTNT 1 tỉnh Nghệ An đã quyết định gửi công trình của 2 em tham dự cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh phổ thông và công trình xuất sắc đạt giải Nhì.
Công trình nghiên cứu của các em được rất nhiều người ủng hộ và giúp đỡ. Ảnh: QP “Đây là một dự án có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đang có nguy cơ mai một của đồng bào dân tộc Thái khu vực miền núi Nghệ An. Công trình khẳng định tài năng, niềm đam mê khoa học của của cô, trò người dân tộc Thái. Đây là một dự án không chỉ có tính thực tiễn mà còn mang tính giáo dục sâu sắc đến các thế hệ trẻ, đặc biệt là những học sinh con em dân tộc miền núi”, thầy Phan Đình Trường, Phó hiệu trưởng trường THPT DTNT 1, tỉnh Nghệ An cho biết thêm.