Trước đó 10 ngày, cô giáo phát đề cương về cho các con ôn thi, chi tiết, tỉ mỉ từng bài tập làm văn, bài luyện từ và câu; các dạng toán cộng trừ, tìm x, quy đổi đơn vị tính khối lượng, đơn vị đo lường. Cô giáo trao đổi với phụ huynh trong nhóm Zalo của lớp về lịch thi, nhờ phụ huynh sát sao kèm cặp các con.
Thế là ngày nào bố mẹ cũng thay nhau học cùng con, giục giã con làm bài, hướng dẫn con bài khó. Không chỉ làm hết bài trong tập đề cương cô giao, tôi còn đố con giải phép tính, bài toán tương tự. Chỉ đến khi con nhăn nhó kêu mệt, mỏi tay, đau đầu thì mẹ mới cho con nghỉ, giục con soạn sách vở ngày mai đi học.
Tôi cũng mắc bệnh thành tích như nhiều phụ huynh khác. Con gái tôi thuộc hàng bé nhất lớp, mẹ chỉ nhân nhượng chút ít còn thì vẫn phải ôm sách vở học mỗi tối có mẹ kèm cặp, giám sát. Tôi xoay đủ chiêu, từ dỗ dành, dọa nạt đến bắt ép phải học thế này, thế kia. Con viết bút mực, chữ một li rất xấu. Tôi bắt con luyện chữ, viết chậm, viết đúng cỡ đúng li.
Tối nào ít bài, hai mẹ con cùng nhau luyện chữ để con không chán. Tối nào mẹ với con cũng học bài, hết Toán, tiếng Việt lại quay sang tiếng Anh. Trẻ con giờ học ở trường cả ngày, cô trò luyện đi luyện lại kiến thức mà bố mẹ vẫn chưa yên tâm. Dù con mới chỉ học lớp 1, lớp 2 thì cũng không thể phó mặc việc học của con cho thầy cô và nhà trường. Bất cứ phụ huynh nào cũng nghĩ, phải tốn công tốn sức dạy dỗ, kèm cặp con ngay từ tấm bé mới hiệu quả.
Không chỉ bố mẹ mà ngay cả ông bà cũng lo lắng khi các cháu sắp thi. Tôi còn trêu bác hàng xóm cạnh nhà là "bà nội mẫu mực" vì sốt sắng chuyện bài vở của cháu gái. Bà nội đeo kính rà soát bài kiểm tra cô trả, câu nào cháu làm sai, bà gọi điện hỏi tôi. Tôi cũng ú ớ trả lời vu vơ và hẹn bác đến chiều mới trả lời chính xác. Tôi xem lại sách giáo khoa, vở con làm bài mà cô đã hướng dẫn những câu tương tự để trao đổi với bác.
Bà nội nhăn mặt xòe cho tôi xem cả xấp bài kiểm tra của cháu gái, toàn điểm 9 và 9,5. Tôi phá lên cười: "Bà nội ơi, cháu gái học thế này là giỏi quá rồi". Bà nội lắc đầu: "Giỏi thì phải được điểm 10, sai toàn câu dễ thế này…".
Con học lớp 1, lớp 2 và càng lên lớp cao hơn của bậc tiểu học, được danh hiệu hoàn thành xuất sắc rất khó. Nếu con đạt điểm Toán, tiếng Việt toàn 9, 10 mà các môn Thủ công, Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh không đạt mức hoàn thành tốt thì vẫn trượt giấy khen "Hoàn thành xuất sắc".
Thế mới có chuyện, sát nút thi học kì mà vẫn có tin nhắn của cô giáo, mong phụ huynh đôn đốc, giục giã con làm lại bài Thủ công, Mỹ thuật. Thế mới có cảnh, bố mẹ sốt ruột, quát mắng con tập trung Toán, tiếng Việt, tiếng Anh còn mấy bài tập Thủ công, Mỹ thuật thì bố mẹ làm hộ cho nhanh. Con thi học kì hay cả nhà thi học kì? Con đạt điểm 9, 10 chắc chắn công sức của bố mẹ, ông bà không hề nhỏ.
Tôi tâm sự với mấy chị bạn đồng nghiệp: "Từ ngày con em vào lớp 1, em chưa bao giờ được xem phim, lúc nào cũng phải học cùng con". Mọi người đều thừa nhận, việc học của các con là mối quan tâm lớn nhất, vui chơi giải trí phải đợi đến lúc lũ trẻ nghỉ hè. Ngày thường đã bận học cùng con, dịp con thi học kì, bố mẹ nào cũng phải tăng tốc, kèm còn sát sao để con "về đích" với số điểm cao nhất.
Tôi không đạt mục tiêu con phải được điểm 10 thi học kì, phải đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc. Nhưng tôi cũng vẫn miệt mài cùng con ôn luyện bài vở, đề cương, đọc đi đọc lại kiến thức trong sách giáo khoa. Con thi xong, mẹ thở phào nhẹ nhõm. Lại hồi hộp chờ con báo điểm, lại vui buồn đan xen khi đi họp phụ huynh...
Con thi học kì, cả nhà sốt ruột kèm cặp, ôn đi ôn lại đến mức thuộc làu làu mà vẫn lo con quên, con nhầm, con bỏ sót câu hỏi. Con học tiểu học, thi học kì là quan trọng nhất, chẳng bố mẹ nào dám lơ là, nhắc nhở suông mà đều phải cùng học với con mới yên tâm./.