Sau vụ việc hãng chuyển phát nhanh GNN Express lạm dụng 5,5 tỷ đồng tiền thu hộ khi giao hàng (COD) của khách rồi tuyên bố phá sản, chuyên gia thương mại điện tử cảnh bảo các chủ shop online cần hết sức lưu ý với loại hình COD đang rất phổ biến hiện nay.
Ưu điểm của phương thức này là người mua hàng chắc chắn nhận được hàng thì mới trả tiền cho công ty giao vận.
Với hình thức này, công ty giao vận được người bán hàng thu hộ, sau đó về trả lại vào một khoảng thời gian định kỳ hàng tuần. Một số hãng giao vận cứ 2 ngày lại trả lại tiền cho khách 1 lần. Một số hãng khác thì khoảng 3 - 4 ngày/lần.
“Ưu điểm này giải quyết bài toán chưa quen với việc mua sắm online của người Việt Nam. Đấy là mặt tích cực, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro rất lớn”, ông Tuyến nói.
“Rủi ro là khi công ty vận chuyển gặp vấn đề, thì hàng trăm người bán hàng sẽ thất thoát một lượng tiền lớn. Rõ ràng, COD không phải là bản chất của thương mại điện tử, bởi về nguyên tắc đó là nơi thanh toán không sử dụng tiền mặt”, ông Tuyến nói.
Tổng thư ký VECOM cho rằng nếu người tiêu dùng và cả các công ty giao vận còn tiếp tục duy trì một tỷ lệ COD quá cao thì thương mại điện tử rất khó đạt được một sự tăng trưởng nhanh.
Ông nhận định loại hình này vẫn đóng vai trò quan trọng trong 3 -5 năm tới, sau đó sẽ giảm xuống. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng lên.
“Các công ty giao vận bản chất dịch vụ lõi của họ là giao nhận, chứ không phải là thanh toán COD. Cũng cần khuyến khích và tạo thói quen cho người mua hàng là việc thanh toán không dùng tiền mặt, giảm rủi ro. Trong thời gian tới sẽ phổ biến hình thức ví điện tử và QR Pay”, ông nói.
Nói về việc trường hợp của GNN Express, ông Nguyễn Trọng Tuyến cho rằng hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc cầm tiền COD của khách hàng, nếu chiếm dụng, lạm dụng thì bị xử lý như thế nào. Tuy nhiên, ông khẳng định khi các công ty giao vận và các sàn thương mại điện tử, các chủ shop đều có hợp đồng. Trong hợp đồng sẽ quy định nghĩa vụ về việc cầm, nhận hộ tài sản, thanh toán và hoàn trả ra sao. Nếu làm sai có thể phải bị xử lý.
“GNN Express là một công ty rất nhỏ, đó là điều cảnh tỉnh và khuyến cáo các nhà bán hàng chọn đối tác giao nhận có uy tín, đặc biệt là dịch vụ COD. Thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay phát triển rất nhanh, do đó khó tránh khỏi những rủi ro nhất định. Người tiêu dùng và chủ shop cần hết sức tỉnh táo”, ông Tuyến chia sẻ.