1. Hiểu rõ hàng minh họa
Trước khi bấm nút “OK”, bạn nên đọc và tìm hiểu để thực sự hiểu thông tin về giá cả, chất lượng hay kèm theo những sự hạn chế. Bởi người bán sẽ cố tình nhấn mạnh quảng cáo sản phẩm mà “lờ” đi những thông tin cần thiết như dịch vụ giao nhận hàng hóa, hạn sử dụng, điều kiện bảo hành... Hãy đọc và lưu những thông tin này lại. Nếu nghi ngờ bất kỳ điều gì hãy kiểm tra để không phải hối tiếc.
2. Để ý ngày review
Ngày post ý kiến đánh giá sản phẩm cũng hé lộ nhiều thông tin về độ chân thực của ý kiến đó. Nếu như bạn đọc được một số ý kiến chấm 5 sao cho cùng một sản phẩm, được post lên cùng hoặc gần ngày với nhau với một giọng điệu na ná thì nguy cơ cao chúng là review "rởm'.
Bên cạnh đó, nếu như một ý kiến chia sẻ các trải nghiệm về sản phẩm vào đúng ngày sản phẩm đó lên kệ thì bạn cũng nên đặt một dấu chấm hỏi lớn... Thường thì một người dùng cuối điển hình phải mất rất lâu mới đúc kết được trải nghiệm đời thực cho một sản phẩm, nhất là với hàng công nghệ.
3. Hàng có được trả lại hay không
Đừng quên để tâm đến một dòng chữ nhỏ xíu nhắc bạn hàng có được đổi, trả lại hay không để tránh mang lại cho mình những phiền phức. Mua hàng online khó tránh khỏi những lúc nhận được sản phẩm nhưng không vừa ý, chọn hàng có thể đổi, trả lại sẽ giúp bạn an tâm phần nào.
4. Quảng cáo câu like
Hiện trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều trang cá nhân, nhóm được lập ra nhằm quảng cáo, bán hàng. Nhiều trang đã rao hàng giá khuyến mãi cực rẻ với điều kiện người muốn mua phải like trang, share về trang cá nhân mình. Rất nhiều người thấy điều kiện rất dễ nên like và share, rốt cục lại chẳng thể mua được sản phẩm giá rẻ nào... Đó chỉ là chiêu lừa quảng cáo câu like.
Người mua nên xem xét phần review của các trang bán hàng trên Facebook, nếu đánh giá sao thấp và review lật tẩy nhiều thì nên tránh xa trang bán hàng đó ra. Trước khi like, share cũng nên cẩn trọng, tránh tiếp tay cho lừa đảo
5. Bảo mật rất quan trọng
Có rất nhiều người tiêu dùng bị lừa đảo khi mua bán hoặc mất thông tin cá nhân do chính thiết bị giao dịch của mình không an toàn. Vì vậy, trước khi nhập những thông tin cá nhân hãy chắc chắn rằng máy tính, máy tính bảng hay điện thoại của bạn an toàn khi đã được cài đặt hoặc cập nhật các phần mềm diệt virus và các biện pháp bảo mật khác.
Nếu đối tác đòi cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan đến giao dịch, hãy lập tức ngừng giao dịch và kiểm tra. Người bán chỉ cần nhận được đúng số tiền bạn trả cho việc mua hàng hóa dịch vụ. Việc yêu cầu mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin nhạy cảm khác là dấu hiệu rất rõ ràng cho những hành vi ăn cắp, lừa đảo đó.
6. Đừng vội vã chuyển số tiền lớn
Sự thật là đã có rất nhiều người, kể cả tín đồ mua sắm, phải ngậm đắng nuốt cay khi đã chuyển một số tiền khá lớn mà vẫn không nhận được sản phẩm, nhất là mua hàng giá trị lớn như điện thoại - điện tử qua mạng.
Nếu có bất kỳ băn khoăn gì về nguồn gốc cũng như mức độ tin cậy của người bán theo như bước 1 thì bạn không nên mua sản phẩm này dù nó có rẻ và được quảng cáo hay như thế nào đi nữa.
7. Thận trọng khi thanh toán
Hãy kiểm tra thật kỹ trước khi bấm nút đồng ý chuyển tiền khỏi tài khoản của mình! Bạn nên tính toán kĩ giá sản phẩm là bao nhiêu + phí vận chuyển + chi phí đóng gói… và chỉ phải trả đúng số tiền đã biết khi nhận sản phẩm.
Một lưu ý khác là với các hoạt động từ chọn hàng cho đến giao dịch thanh toán đều phải được thực hiện thông qua tài khoản cá nhân thì việc chọn ngân hàng cũng rất quan trọng. Các chi phí giao dịch cũng là khoản tiền đáng chú ý nếu bạn thường xuyên mua hàng online. Ngoài ra, công nghệ bảo mật và dịch vụ khách hàng của các ngân hàng đôi khi sẽ là “cứu cánh” cho bạn khi sập bẫy.