bna___mai_hoa3435182_452018.jpgBà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hiện tại có 13 khoa, phòng và 1 trung tâm. Thời gian qua, thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhà trường đã sáp nhập Ban Tuyển sinh vào Phòng Quản lý đào tạo, đồng thời giải thể tổ trông giữ xe - vệ sinh môi trường, tổ bảo vệ để chuyển sang thuê khoán.

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã giảm được 8 biên chế hưởng lương từ ngân sách, hiện tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn trường còn 192 người, trong đó có 72 lao động hợp đồng.

Tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó đáng quan tâm nhất là hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực hiện tại; định hướng tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế của nhà trường; quyền lợi giữa biên chế và hợp đồng lao động trong nhà trường…

Ông Trần Đình Toàn - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu vấn đề: Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hiện là đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự trang trải trên 50% kinh phí chi thường xuyên, nhà trường cần có định hướng để tiến tới tự chủ 100% kinh phí, từ đó giảm biên chế - người hưởng lương từ ngân sách.

Tiến sỹ Dương Xuân Thao - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho rằng, cần tạo sự bình đẳng giữa lao động hợp đồng và biên chế. Ảnh: Mai Hoa

Theo Tiến sỹ Dương Xuân Thao - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, xu hướng tuyển sinh ngày càng khó khăn, nếu thu học phí cao thì khó thu hút, nếu thu theo quy định của Nhà nước thì nhà trường sẽ không có nguồn bù vào, cho nên từ nay đến năm 2021 thì khó để nhà trường thực hiện tự chủ.

Liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, Tiến sỹ Dương Xuân Thao cho rằng, hiện tại bộ máy đã ổn định và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên nếu yêu cầu tiếp tục sắp xếp, nhà trường sẽ tiếp tục sáp nhập Phòng Tài chính vào Phòng Tổ chức - Hành chính.

Do chế độ tiền lương, thu nhập chưa hấp dẫn nên nhà trường khó thu hút tiến sỹ, các chuyên gia có chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu mở thêm các mã ngành bậc đại học. Đây cũng là khó khăn lớn nhất hiện nay của nhà trường. Mặt khác, do các vị trí việc làm đã phê duyệt “cứng” nên nhà trường muốn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc cũng không dám làm vì khi tuyển dụng phải có vị trí việc làm để bố trí và trả lương cho lao động.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cũng cho rằng, trong số 192 lao động có 120 biên chế, 72 hợp đồng, mặc dù 2 đối tượng có sự cống hiến như nhau, thậm chí một số thu hút hợp đồng sau này có chất lượng cao hơn nhưng theo quy định thì đối tượng hợp đồng không được đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là một bất hợp lý trong thực tiễn.

Sự khác nhau giữa 2 đối tượng này là ở chỗ, một bên biên chế là do Nhà nước chi trả lương, còn hợp đồng là do nhà trường tự chi trả, vì vậy cần tạo sự bình đẳng giữa lao động hợp đồng và biên chế trong mọi quyền lợi, kể cả về chế độ thu nhập và quyền lợi chính trị. Có như vậy thì việc tinh giản người hưởng lương từ ngân sách mới dễ dàng hơn.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham gia tập huấn nghiệp vụ cán bộ Đoàn. Ảnh tư liệu

Kết luận tại cuộc làm việc, bên cạnh ghi nhận những nỗ lực cố gắng của nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như trong công tác tinh giản biên chế, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo nguyên tắc tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Song song với đó, nhà trường cũng cần sắp xếp, bố trí lao động hợp lý nhằm giảm người hưởng lương từ ngân sách.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khẳng định, chủ trương chuyển các đơn vị sự nghiệp hoạt động theo hình thức tự chủ là xu thế tất yếu. Qua đó “cởi trói” để các đơn vị được tự chủ hoàn toàn về đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng lao động… Vì vậy, nhà trường cũng cần chủ động để có kế hoạch, lộ trình, bước đi thích hợp.