Theo báo cáo của UBND huyện Anh Sơn, từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy, huyện đã giảm 6 Phó Chủ tịch UBND cấp xã, nhiệm kỳ 2016 - 2021; giảm 59 biên chế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời giảm đầu mối bằng việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Tại cuộc làm việc, vấn đề được một số thành viên đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh quan tâm là tổng số hợp đồng trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện còn lớn.
Chia sẻ với huyện về số lượng hợp đồng lớn là do lịch sử để lại, ông Phạm Văn Hóa - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh đặt ra băn khoăn về hướng xử lý 91 hợp đồng giáo viên, 3 hợp đồng tại Đài PT-TH huyện, 8 hợp đồng tại các phòng, ban UBND huyện; bởi những lao động này đều đã có thời gian công tác trên dưới 10 năm.
Ngoài lao động hợp đồng, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cũng nêu thực tế số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã lớn, với tổng 354 người; trong đó 13/21 xã, thị trấn bố trí 17 - 20 người và chỉ có 1 xã bố trí 13 người.
Tương tự, ở cấp xóm, tổng số người hoạt động không chuyên trách cũng đang lớn, toàn huyện là 2.437 người.
Còn ông Cao Tiến Trung - Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu bất cập trong việc bố trí công chức cấp xã, nhất là công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch, cơ bản đều bố trí 2 người/ xã, cá biệt có 6 xã bố trí 3 công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; có xã nguồn thu trên địa bàn chỉ trên dưới 150 triệu đồng/năm nhưng vẫn bố trí 2 công chức tài chính - kế toán là quá lãng phí. Vì vậy, đề nghị huyện cần nghiên cứu để sắp xếp, bố trí lại.
Thừa nhận một số hạn chế trong vấn đề xử lý hợp đồng lao động, ông Nguyễn Hữu Sáng - Chủ tịch UBND huyện cũng khẳng định, huyện đang quyết tâm sắp xếp và xử lý từng bước đúng theo quy định đối với lao động hợp đồng.
Liên quan đến đội ngũ hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp xóm, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, để giảm số lượng thì Trung ương và tỉnh cần có chủ trương khoán kinh phí gắn với quy định số lượng theo hướng 1 người đảm nhận nhiều việc, vừa nâng thu nhập và nâng chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ này.
Trên cơ sở tiếp thu những vấn đề mà đoàn giám sát đặt ra, Bí thư Huyện ủy Đặng Thanh Tùng cũng nêu lên một số khó khăn trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.
Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý khi sáp nhập các đơn vị sự nghiệp cấp huyện và sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động khi tiến hành sáp nhập 10 xã không đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo quy định…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của huyện Anh Sơn trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là giải quyết được hơn 160 lao động hợp đồng.
Bên cạnh chỉ ra một số bất cập liên quan đến việc bố trí đội ngũ công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị huyện quan tâm bố trí, điều hòa đội ngũ công chức cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ sở, tránh lãng phí nguồn lực.
Song song với đó, huyện cần chủ động rà soát, sắp xếp đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp xóm, đảm bảo vừa tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cũng ghi nhận một số kiến nghị của huyện liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.