3 đơn vị sự nghiệp công lập trên có tổng cộng 15 người làm việc, trong đó 12 biên chế và 3 lao động hợp đồng tự trang trải.
Riêng Trạm Giống chăn nuôi Tây Nam Nghệ An có tổng cộng 24 người làm việc, trong đó có 13 biên chế, 11 hợp đồng. Trạm này đang định hướng chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát quan tâm đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khi các đơn vị trực thuộc các trung tâm, chi cục ở cấp tỉnh mà thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện; có tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng nhiệm vụ giữa các đơn vị; khó khăn khi tổ chức bộ máy, biên chế ít; thuận lợi và khó khăn khi tiến hành sáp nhập 3 đơn vị sự nghiệp hiện đã có định hướng…
Theo ông Trịnh Xuân Quý - Quyền Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, khi tiến hành sáp nhập, về thuận lợi, các đơn vị đều tham gia phục vụ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, mỗi đơn vị hiện nay đều bị chi phối bởi các Luật và Nghị định khác nhau, nên quá trình lãnh đạo, chỉ đạo khi được sáp nhập sẽ gặp khó khăn.
Còn Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Nguyễn Xuân Ưng thừa nhận, hiện đơn vị chỉ có 4 người làm việc, gồm 2 biên chế, 2 hợp đồng, trong khi có 18 nhóm nhiệm vụ, nên có những nhiệm vụ chưa thực hiện thật đầy đủ.
Kết luận cuộc làm việc, bên cạnh chia sẻ những khó khăn của các đơn vị với số lượng biên chế ít, trong khi chức năng, nhiệm vụ theo quy định nhiều, địa bàn rộng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền khẳng định, định hướng sáp nhập các đơn vị sự nghiệp phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở cấp huyện là chủ trương chung và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bởi vậy, bà Hiền đề nghị các đơn vị ủng hộ chủ trương này, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, viên chức, người lao động.
“Khi sáp nhập sẽ giảm đầu mối, giảm bộ phận hành chính như kế toán, phục vụ và tăng nhân lực để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chắc chắn hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sẽ được nâng lên”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Song song thực hiện chủ trương sáp nhập, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương; đồng thời rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, tránh trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót; tăng cường mối quan hệ phối hợp có hiệu quả với Phòng Nông nghiệp thuộc UBND huyện và các Trung tâm, Chi cục ngành dọc cấp tỉnh…