Đội tuyển Việt Nam từng đối đầu sòng phẳng với các đội bóng hàng đầu châu lục như ĐT Nhật Bản, ĐT Australia, ĐT Arabia Saudi, ĐT Trung Quốc… thì việc phải gặp các đối thủ cấp khu vực như ĐT Thái Lan hay ĐT Singapore… sẽ chẳng có gì đáng ngại hay đáng lo khi ĐT Việt Nam sắp đối đầu ĐT Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020 tới đây.
Bên cạnh đó là… nỗi lo khi nói gì thì nói, ngay cả khi ĐT Việt Nam lên đỉnh khu vực cách đây 3 năm, là đội duy nhất lọt vào Vòng loại thứ 3 nói trên, thì thầy trò ông Park Hang-seo cũng chưa thắng ĐT Thái Lan ở một giải đấu chính thức. Hai trận đấu gặp nhau gần nhất ở Vòng loại thứ 2, hai đội cầm hòa nhau cả hai lượt trận (0-0). Điều đáng nhớ là lượt về trên sân Mỹ Đình, ĐT Việt Nam bị ép sân, bị thổi phạt 1 quả penalty nhưng may mắn thủ thành Văn Lâm đã cản phá thành công.
Hiện tại, rõ ràng bất đắc dĩ 2 đội phải gặp nhau ở 2 trận chung kết sớm, bán kết đi-về AFF Cup vì cả 2 đương nhiên đều “mơ” được chơi 2 trận chung kết nhưng kết quả chỉ dành cho 1 đội sau kết quả 2 lượt trận. Người Thái dù tự tin “sẽ không thua ĐT Việt Nam” như lời của Chanathip nhưng cũng bất ngờ, ái ngại khi phải “chọi” Việt Nam ở bán kết. Trong khi đó, cả thầy và trò ông Park Hang-seo đều thống nhất phát ngôn là “muốn vô địch phải thắng tất cả” “không ngại gặp Thái Lan ở bán kết” nhưng sau đó, ai mà biết được sự thể là cái gì còn giấu kín?
Lúc này, nói cho cùng, “quan điểm” nào cũng không quan trọng bằng thực tế ra trận, bằng cách chơi, cách xử lý… của ĐT Việt Nam trong cả 2 lượt trận. Câu chuyện lịch sử “ngại người Thái” “thua khi chưa xung trận” đã là quá khứ của 4 năm về trước, còn hiện tại hoàn toàn không có việc ai sợ ai mà là cuộc đấu sòng phẳng, là khi ai tạo ra và tận dụng cơ hội tốt hơn để giành lợi thế mà thôi.
Người Thái có quyết tâm, có thực lực, càng chơi càng hay là điều có thật, nhưng nên nhớ với lực lượng đầy đủ, họ đã chơi hoàn toàn không tốt trong trận gặp ĐT Philippine ở vòng bảng dù thắng 2-1? Dù ĐT Thái Lan thắng dễ ĐT Singapore 2-0 với đội hình 2, nhưng biết đâu khi “ghép đội” ở trận bán kết, mọi chuyện lại trở về như trong trận gặp ĐT Philippine? Và đối thủ là ĐT Việt Nam, không phải là ĐT Singapore hay ĐT Philippine, nên người Thái sẽ hoàn toàn không dễ dàng để “bỏ túi” một trận thắng, khi ít nhất trong 4 năm qua, họ không hề mong muốn nhận một kết quả hòa, nếu không nói là bao giờ cũng muốn thắng dễ như nhiều năm trước?
Ai cũng biết, nếu cho lên bàn cân, chất lượng các cầu thủ Thái Lan hiện tại vượt trội so với các cầu thủ Việt Nam, khi họ có dàn sao đang thi đấu ở Hàn Quốc và Nhật Bản, chưa kể dàn Thái kiều có thể hình, thể lực tốt hơn hẳn các cầu thủ trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, ĐT Việt Nam 100% là cầu thủ nội thi đấu V. League, đội hình có nhiều biến động do một loạt trụ cột gặp chấn thương nhưng chắc chắn đây là một “đội bóng ngôi sao”, đoàn kết, cống hiến và trên hết là một dàn huấn luyện Hàn Quốc có đẳng cấp. Chính điều đó cho phép các tuyển thủ Việt Nam không hề run sợ khi đối đầu với các đối thủ trong khu vực và châu lục. Một khi cái đầu luôn thoáng thì đôi chân vào trận sẽ luôn nhẹ nhõm, mọi bài vở sẽ được thực thi hoàn hảo và sáng tạo hơn bao giờ hết.
Chắc chắn, việc giải bài toán tâm lý của thầy trò ông Park Hang-seo sẽ quyết định mọi việc ở 2 trận bán kết gặp ĐT Thái Lan tới đây. Dù ĐT Việt Nam có thiệt hơn một ngày nghỉ, dù các trận đấu vòng bảng còn để xảy ra một vài sai sót, nhưng một khi xác định đầy đủ tâm thế, lợi thế, khí thế của một đoàn quân quyết thắng, thì thầy trò ông Park Hang-seo sẽ vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, dù đối thủ là người Thái hay bất cứ ai.
Chưa kể, khi gặp lại người Thái, ĐT Việt Nam dù muốn dù không sẽ trở về với lối chơi sở trường “phòng ngự-phản công”, vũ khí đắc địa mà ở 4 trận vòng bảng chưa được phát huy bởi đối thủ yếm thế. Người Thái có thể tìm cách hạn chế sự bùng nổ của Quang Hải, Hoàng Đức… nhưng ĐT Việt Nam vẫn còn nhiều nhân tố có thể gây đột biến khác, không bao giờ dễ dàng chịu trận và để đối thủ muốn làm gì cũng được, nếu không muốn nói là sẽ có những phản đòn đáng giá, đáng gờm bất cứ lúc nào?
Và tất nhiên, đó sẽ là những trận đấu hay của bóng đá khu vực, hay từ trong khu kỹ thuật đến từng centimet cỏ, hay từ khi có…lịch thi đấu tới khi trận đấu đã tan từ lúc nào, báo chí và dư luận vẫn còn râm ran, xuýt xoa. Đó mới là cái được, cái làm nên “chiến thắng” hấp dẫn và thu hút của bóng đá, của sự cạnh tranh không ngừng nghỉ trong bóng đá và cuộc sống...