(Baonghean) - Nền kinh tế nước nhà mới hồi phục chút ít. Các doanh nghiệp vừa mới chớm hồi sức sau một cơn “bạo bệnh” do suy thoái kinh tế kéo dài thì nay lại tiếp tục xây xẩm mặt mày khi ngành Điện tăng giá thêm 7,5% và đã được Chính phủ thông qua!
Ai choáng váng, ai xây xẩm cũng mặc. Lãnh đạo EVN còn “lên giọng” rằng “nếu giá điện tính đúng, tính đủ thì phải tăng tới 12,8%”. Nếu vậy, thì việc áp dụng giá điện mới bắt đầu từ ngày 16 - 3 tới đây chỉ phải tăng thêm 7,5%, chẳng khác nào một sự “gia ơn” của ngành Điện đối với xã hội. Vậy, người tiêu dùng có nên “hoan hỉ” mà đón nhận “ơn mưa móc” này không nhỉ? Nhưng trước khi đi đến quyết định cuối cùng, cần phải xem lại có phải ngành Điện “thương” người tiêu dùng nên chưa thèm tính đúng, tính đủ giá điện mà chấp nhận phần thua thiệt về mình hay không? Nếu đúng là như vậy thì xem ra những phản ứng của xã hội trước việc tăng giá của ngành điện là hành vi thiếu hiểu biết, thiếu chia sẻ và không sòng phẳng. Nhân nói đến chuyện sòng phẳng, có lẽ ngành Điện nên nêu gương làm trước.
Chẳng hạn, việc tăng giá điện lần này, trước khi quyết định, EVN cứ “đường ngay, mực thẳng”, công bố rõ ràng, tỷ mỷ trước bàn dân thiên hạ các yếu tố, các chi phí cấu thành giá điện để cho mọi người được rõ. Ai không hiểu, ai không tin thì cứ việc bỏ tiền ra mời cơ quan kiểm toán độc lập đến thẩm định, làm rõ là có đúng như thế hay không. Đằng này, EVN chỉ đơn phương công bố là dự kiến tăng giá điện với tỉ lệ 7,5%, 8,5% và 9,5% mà “quên”, cũng có thể là phớt lờ, không thèm chứng minh, lý giải cho các “thượng đế” của mình vì sao lại phải tăng với các mức giá đó. Vậy là nói khống, nói mà không có chứng cứ để chứng minh việc tăng giá là tất yếu, là cần thiết, là đúng đắn và hợp lý.
Chỉ phán không như vậy thì có đáng được gọi là sòng phẳng hay không? EVN nói, nếu tính đủ thì giá phải tăng tới hơn 12%, vậy sao không đưa ra ngay mức tăng đó đi mà lại phải trình ra 3 mức như đã nói ở trên, để làm gì? Phải chăng là thiếu tự tin nên mới phải làm vậy để thăm dò và dễ bề chống chế? Được mức nào hay mức đó mà không hề có một sở cứ thực tế nào để bảo vệ chính kiến của mình. Tóm lại, EVN vẫn cứ giở lại bài cũ là úp mở các yếu tố cấu thành giá điện, đẩy người tiêu dùng đứng trước ma trận giá của ngành mình. Và để rồi, vào một ngày đẹp trời với họ và xấu trời cho người tiêu dùng, họ thích giá nào thì chấm giá đó.
Trở lại với chuyện minh bạch giá điện. Đây là vấn đề nhiều năm nay người tiêu dùng cả nước đã yêu cầu ngành Điện công khai, minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện, nhưng không hiểu vì sao họ cứ lần lữa mãi, không chịu thực hiện. Mà việc hạch toán đâu có gì là khó. Đầu vào bao gồm những gì, giá cả bao nhiêu, rồi các chi phí xây dựng, nhân lực vận hành, hoạt động là bao nhiêu... Cộng lại, thì ra ngay thôi mà! Người nông dân còn hạch toán được con gà, quả trứng, hạt thóc, bắp ngô của mình làm ra có giá bao nhiêu cơ mà. Không lẽ, ngành Điện toàn những người được ăn học, đào tạo bài bản lại không thể làm nổi mấy phép cộng, trừ, nhân, chia để cho ra giá thành của một ký điện.
Là nói vậy thôi, chứ thật ra họ dư sức làm được điều đó. Nhưng vì, nói thẳng ra là không muốn làm. Vì làm thì sẽ lộ ra những chuyện không hay. Mà như thống kê của ông Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam thì năng suất lao động của EVN đang thấp nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu lấy giá trị sản lượng 120 tỷ KWh điện phát ra hàng năm trên tổng số lao động là 110.000 người, thì một người trong một năm chưa đạt được 1,1 triệu KWh điện. Năng suất lao động của EVN hiện chỉ bằng 1/10 Singapore, 3/4 Malaysia và chưa bằng 1/2 của Thái Lan. Năng suất lao động ngành Điện thấp là do đang dư thừa lao động.
Chẳng hạn, EVN hiện có tới hơn 6.700 nhân viên chỉ thực hiện mỗi công việc ghi chỉ số công tơ bằng tay và điều này khiến hiệu quả công việc thấp. Bên cạnh đó, tổn thất điện năng của EVN vẫn cao, chưa đạt kế hoạch Chính phủ giao. Năm 2014, tổn thất điện năng của EVN là 8,46% trong khi theo kế hoạch giao là 8%. Mà trong cái chuyện tổn thất điện năng này, cũng tiềm ẩn những chuyện kinh khủng, động trời lắm. Vì tổn thất không chỉ là do sự hao hụt bất khả kháng trong quá trình vận hành mà còn có cả sự can thiệp của bàn tay con người. Cụ thể là của nhân viên ngành Điện “ăn rơ” với các khách hàng tiêu thụ điện lớn để biến dòng điện năng thành dòng tiền chảy vào túi cá nhân. Chuyện này đang râm ran ở nhiều nơi. Chỉ chưa phát lộ mà thôi. Còn vì sao EVN dư thừa lao động mà không tiết giảm đi thì chắc là ai cũng hiểu, không cần nói thẳng ra ở đây. Vì thế, cách hay nhất là cứ “lập lờ đánh lận trắng đen” rồi hạch toán hết vào giá thành, buộc người tiêu dùng phải gánh chịu?
Đã đến lúc cần sòng phẳng và công khai với nhau trong mọi chuyện. Để từ đó có cách thiết lập một mức giá điện phù hợp với chi phí sản xuất và để người tiêu dùng có một mức giá điện hợp lý, ổn định. Quan trọng hơn cả là để mỗi lần tăng giá, ngành Điện không cần phải có những phát biểu theo kiểu “ban ơn” nhằm khỏa lấp sự mập mờ và để người dùng điện không phải chịu ơn trong khi vẫn phải trả tiền với giá cao. Không ai thích và cũng không ai cần ban ơn, chỉ cần, rất cần sự sòng phẳng của ngành Điện!
Bụt Sơn