(Baonghean) - Hôm vừa rồi mình đọc được thông tin về việc nông dân ở một xã thiệt hại lớn vì su su... được mùa. Bao nhiêu tấn su su không có ai mua, phải làm thức ăn cho gia súc hoặc để rụng ngay tại gốc thành phân bón vườn. Sau vài năm "toả sáng" như "cứu tinh" của người nông dân, diện tích trồng được người dân mở rộng tự phát, khiến nguồn cung nhiều đến tràn lan...
 
Ông bà ta vẫn thường dạy "Cái gì nhiều quá cũng không tốt", ấy thế nhưng mâu thuẫn một điều là dân mình phàm cái gì cũng thích nhiều, đôi khi đến thừa mứa. Ăn uống thì phải mâm cao cỗ đầy để chứng tỏ mình sung túc, hiếu khách. Đồ bổ thì bất kể Đông Tây kim cổ, âm dương ngũ hành,... miễn là của lạ, của quý thì nhắm mắt nhắm mũi xơi tuốt. Thật ra, ấy là một lối tư duy, lối sống vừa phản khoa học vừa lãng phí.
 
Không chỉ trong vấn đề ăn uống, tiêu dùng, tư duy thích số nhiều dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của một số đông người dân. Một ví dụ hết sức dễ thấy là hễ có cửa hàng hay một sản phẩm nào kinh doanh có hiệu quả, ngay lập tức người người nhà nhà đổ xô đi kinh doanh đúng mặt hàng đó, với cùng phương thức đó, thậm chí dưới cùng một cái tên thương hiệu đó. Thế nên mới có chuyện cả một dãy phố, cửa hàng nào cũng đề cùng một tên, rồi như để phân biệt, khẳng định bản thân, thêm vào một từ "xịn", "chính hiệu", "gốc",... Rồi bi hài hơn nữa là tình trạng đánh cắp thương hiệu: Thấy một chủ cửa hàng kinh doanh phát đạt, người chủ cho thuê mặt bằng quyết định chấm dứt hợp đồng và sau đó thì tự mình mở cửa hàng, với tên biển hiệu của người kinh doanh cũ. Tất nhiên, chỉ sau một thời gian, khách hàng cũng sẽ phân định được đâu mới là thương hiệu "xịn" và đâu là những phiên bản đạo nhái. Để thấy, sự thụ động, lười suy nghĩ, thích "ăn sẵn" không thể đưa người ta đi đến thành công.
 
Quay trở lại với câu chuyện về quả su su, có lẽ sẽ có người nói rằng: làm gì có mối quan hệ nào với câu chuyện đánh cắp thương hiệu nói trên? Thực ra về bản chất, việc mở rộng diện tích trồng su su một cách tự phát cũng là một kiểu đánh cắp ý tưởng. Nhưng nó không hoàn toàn xấu, vì xuất phát từ suy nghĩ đáng khích lệ là muốn học hỏi, vận dụng những mô hình thành công đi trước. Tuy nhiên, do thiếu tư duy quy hoạch, không đánh giá đúng nhu cầu và quy mô thị trường nên dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, khiến su su trượt giá thảm hại, thậm chí không tìm được nguồn tiêu thụ. Giá như thay vì "sao chép" một cách máy móc, rập khuôn mô hình trồng su su, người ta nghĩ đến các loại rau, củ quả khác hoặc các dịch vụ đi kèm như vận tải, đại lý thu mua,... thì sẽ bảo vệ được giá trị kinh tế của một loại nông sản vừa dễ canh tác, vừa có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cao.
 
images1139036_dsc_0064.jpgÔng Hồ Văn Đước (xóm 6, xã Quỳnh Liên) gom quả su su làm phân bón.
 
Chung quy lại, vẫn là do tư duy thiếu năng động, nghèo nàn và máy móc. Máy móc một cách ngây thơ khi nghĩ rằng vị trí của một sản phẩm trên thị trường là bất di bất dịch. Nhưng không, giá trị kinh tế là một hàm số với hai biến số có quan hệ mật thiết với nhau: cung và cầu. Nếu quan hệ giữa cung và cầu là tương đối cân xứng, giá trị của sản phẩm sẽ ở trạng thái ổn định. Bất cứ sự chênh lệch nào giữa hai biến số nói trên cũng sẽ khiến giá trị kinh tế của sản phẩm biến thiên, hoặc tăng lên hoặc giảm xuống nhưng chắc chắn, sẽ đi đến một trạng thái bão hoà. Con người ta cũng vậy, biến đổi và đáp ứng với nhu cầu của xã hội đang không ngừng vận động mới là cách để đảm bảo giá trị, chỗ đứng của mình trong xã hội. Thụ động, lười biếng và nghèo sức sáng tạo, rồi sẽ có lúc giá trị của ta bị bão hoà rồi lãng quên như quả su su sau một mùa ế ẩm. Bạn muốn mình đứng ở đâu trong xã hội này? Ai cũng muốn chọn một mảnh đất tốt, nhưng quá nhiều người sẽ khiến bất cứ mảnh đất màu mỡ nào cũng phải cạn kiệt. Tìm ra những khoảng trống, "khai hoang" và "quy hoạch" chúng thành những “tấc đất, tấc vàng”, đó mới chính là cách để khẳng định giá trị của bản thân!
 
Hải Triều