(Baonghean) - Hiện nay, ngành GD-ĐT đang chuyển đổi mô hình trường dân lập sang tư thục. Lộ trình này phải được kết thúc trong tháng bảy để tháng tám bước vào năm học mới theo thông lệ hàng năm của trường dân lập. Để chuẩn bị cho mô hình này có rất nhiều việc phải làm: kiện toàn, bầu lại hội đồng quản trị (HĐQT), ... đặc biệt là tuyển sinh cho năm học mới.
Khi còn là trường dân lập, hàng năm Sở GD-ĐT lập kế hoạch cho trường, quy định số lớp và số học sinh được tuyển hàng năm của các trường. Việc định sẵn số lớp, số học sinh được phép tuyển mục đích là đảm bảo cho các trường dân lập tồn tại, nhưng chưa tạo nên động lực phát triển. Việc làm này được bao cấp kéo dài hàng chục năm nay, thực chất là kìm hãm sự phát triển của các trường có thế mạnh, có tiềm lực về nhiều mặt; việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT hàng năm cũng bộc lộ sự bao cấp, chạy theo thành tích khi xếp các trường khá, kém ngồi thi đan xen nhau, trong khi Bộ đang phát động rầm rộ chống bệnh thành tích trong GD-ĐT.
Năm học sắp tới, các trường dân lập đã trở thành trường tư thục, chúng ta phải thay đổi nội hàm của nó cho đúng với trường tư thục, để cho nhà trường phát huy quyền tự chủ, không nên quản lý theo “kế hoạch” nữa. Cần phải để cho các trường tư thục được tự do cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong việc lập kế hoạch phát triển, tuyển chọn học sinh, tuyển chọn đội ngũ giáo viên, cán bộ, chọn ban giám hiệu, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học... Tất cả nhằm bảo đảm cho việc dạy tốt, học tốt, hoạt động toàn diện, mở ra sự liên kết, hợp tác trong tuyển sinh, trong đào tạo, trong sử dụng sản phẩm và bàn giao sản phẩm có chất lượng, sản phẩm sạch của nhà trường cho xã hội, cho gia đình....
Mùa thi tốt nghiệp THPT này, các sở GD-ĐT không nên xếp trường khá cùng ngồi thi với trường kém nữa, mà nên xếp các trường khá ngồi thi với nhau, các trường kém ngồi thi với nhau mới thể hiện được thực chất của việc dạy và học của các trường. Nếu không thì các trường dân lập yếu kém vẫn đậu tốt nghiệp THPT cao như các năm trước; hậu quả tất yếu của việc này là vô cùng nguy hại, học sinh không chịu học cho bản thân mình. Mùa thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Sở GD-ĐT chỉ nên có kế hoạch cho các trường công lập (vì phải lo tiền, lo biên chế), nhưng theo tôi, để tạo động lực cho trường phát triển, Sở cũng nên giảm dần kế hoạch tuyển sinh, đồng nghĩa giảm dần biên chế ở các trường công lập.
Các trường đã chuyến sang tư thục thì dứt khoát không hạn chế số lớp nữa, mà chỉ nên khống chế sĩ số học sinh trong mỗi lớp không quá 45 - 48 em để nhà trường còn xem xét thực chất hàng năm và cuối năm lớp 12, nên mỗi lớp còn 40 - 42 em là phù hợp. Nếu ngành GD-ĐT làm được như vậy mới tạo động lực cho các trường tư thục có chất lượng thực sự và phát triển bền vững.
Cần phải chấp nhận cạnh tranh trong giáo dục-đào tạo
Phan Văn Kỳ