Sáng 22/4, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở huyện Diễn Châu.
NHU CẦU SỬ DỤNG LAO ĐỘNG LỚN
Trước khi làm việc với UBND huyện Diễn Châu, Đoàn đã đến khảo sát công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu.
Trên địa bàn huyện hiện nay có 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu hiện có 2 cơ sở đào tạo đang phát huy hiệu quả. Đến năm 2020 trung tâm được cấp phép đào tạo 17 nghề.
Từ năm 2015 - 2020 công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực với số lượng khoảng 400 - 600 lao động nông thôn được đào tạo nghề với tỷ lệ việc làm sau đào tạo là hơn 80%.
Theo thông tin lãnh đạo huyện Diễn Châu cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 600 doanh nghiệp đang hoạt động với 12.000 công nhân. Thời gian qua huyện đã làm việc kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để tạo việc làm cho lao động địa phương.
Là địa phương có nhiều doanh nghiệp, nhất là các nhà máy may, giày da nhu cầu sử dụng lao động rất lớn. Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng, khách sạn, ngành nghề dịch vụ du lịch nhu cầu sử dụng lao động nhiều. Vấn đề đặt ra là lao động phải được đào tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bất cập hiện nay trên địa bàn là nhu cầu lao động của các doanh trên địa bàn huyện lớn nhưng số lao động là người địa phương đi làm ăn xa còn nhiều.
Việc quản lý đào tạo nghề còn bị động, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu, chưa đồng bộ, năng lực còn hạn chế, chưa đào tạo được đa dạng nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nhất là các nghề phi nông nghiệp; cơ sở vật chất chưa đáp ứng cho công tác đào tạo nghề.Nhận thức học nghề của một bộ phận lao động nông thôn còn thấp, còn có tư tưởng ỷ lại. Nguồn kinh phí đào tạo không nhiều, cấp muộn; học viên sau khi đào tạo còn khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với Đoàn Giám sát, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu - đồng chí Hà Xuân Quang cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 -2025 xác định nâng cao chất lượng đào tạo nghề là 1 trong nhiệm vụ trọng tâm của huyện.
Thời gian tới, huyện đã và đang quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đơn vị.
"Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh cần có cuộc khảo sát nắm bắt nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Diễn Châu nói riêng để có định hướng cho công tác đào tạo nghề.
Tỉnh cần có cơ chế phối hợp tốt với các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn để đào tạo nghề và tiếp tục ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp; cần có giải pháp nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Tuyên truyền định hướng cho người lao động học nghề" - đồng chí Hà Xuân Quang đề xuất.
LIÊN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP
Thảo luận tại cuộc làm việc, các băn khoăn của thành viên đoàn giám sát liên quan đến công tác đào tạo nghề: Kết quả mô hình đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp; rà soát lao động từ các địa phương trong nước về; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
Công tác xã hội hóa trong đào tạo nghề; số lao động qua đào tạo làm việc trong và ngoài tỉnh; giải pháp nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, việc dạy nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc đào tạo nghề cho số lao động xuất khẩu; việc khảo sát nhu cầu lao động từ miền Nam trở về địa phương,...
Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của huyện Diễn Châu đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Phân tích, chỉ rõ một số điểm còn bất cập trong công tác đào tạo nghề trong thời gian qua, theo đồng chí Nguyễn Như Khôi, để công tác đào tạo nghề có hiệu quả cần có nhiều yếu tố: giáo viên, cơ sở vật chất, liên kết với doanh nghiệp, công tác quản lý…
Nhấn mạnh về nhu cầu sử dụng lao động của huyện Diễn Châu là rất lớn, vì vậy, theo đồng chí, để công tác đào tạo nguồn nhân lực địa phương cần liên kết với doanh nghiệp, từ nhu cầu, trách nhiệm, trang thiết bị cơ sở vật chất, chuyên gia đào tạo, để có chiến lược trong đào tạo nghề cho lao động. Bên cạnh đó, huyện cần có kiến nghị để điều tiết chỉ tiêu đào tạo phù hợp hơn.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị trong chương trình đào tạo, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cần chú trọng tính chuyên nghiệp, công nghiệp cho lao động.
Huyện cần đầu tư cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu để đáp ứng nhu cầu đào tạo trên địa bàn. Diễn Châu cần ban hành đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động trên địa bàn huyện để công tác này ngày càng bài bản, chất lượng, hiệu quả hơn.