Sáng 22/4, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản. Tham dự có lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Sở Công Thương Nghệ An và lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước.
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin, giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại các địa phương về kỹ thuật an toàn, môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản, công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và đề xuất, kiến nghị sửa đổi những quy định chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đa dạng, phân bố rải rác, nhất là các khoáng sản quý hiếm (vàng, thiếc, đá quý...), nguyên,vật liệu sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, đá hoa trắng làm khoáng chất công nghiệp và chế tác mỹ nghệ. Nói đến khoáng sản ở tỉnh Nghệ An thì khoáng sản chủ yếu là đá trắng. (huyện Quỳ Hợp được coi là vùng có khoáng sản đá trắng lớn nhất cả nước với trữ lượng đá vôi trắng gần 1 tỷ m3 ).
Song song với những đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản ở Nghệ An vẫn còn một số nơi để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động, tác động ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người lao động và ảnh hưởng, xáo trộn chất lượng cuộc sống của nhân dân xung quanh khu vực có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Đứng trước nguy cơ về mất an toàn lao động và ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực hoạt động này, đặc biệt, tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật; tổ chức đào tạo, huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động và hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.Tại hội nghị, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, các Sở Công Thương và doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng đã trình bày các tham luận cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại từng địa phương. Mục tiêu cao nhất là góp phần giúp ngành khai khoáng Việt Nam bảo an toàn và thân thiện với môi trường.