Cũng trong cuộc điện đàm, người đứng đầu nước Mỹ cho biết, Washington đang "nghiên cứu thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô để giúp đỡ nền kinh tế của Ukraina”, trong bối cảnh quốc gia Đông Âu phải đối mặt với áp lực từ sự hiện diện của quân đội của Nga ở sát biên giới.
Trước những chỉ trích từ Kiev về quyết định kêu gọi công dân Mỹ rời Ukraina, Tổng thống Biden khẳng định với người đồng cấp Zelensky rằng, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraina "vẫn mở và hoạt động đầy đủ".
Trong khi bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán trong tuần này về việc giải quyết căng thẳng ở miền Đông Ukraina, ông Biden cũng cam kết các thỏa thuận ngoại giao sẽ không bị “can thiệp sau lưng” Kiev, và khẳng định “đàm phán về Ukraina sẽ không được tiến hành nếu không có sự tham gia của Ukraina".
Trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Zelensky cho biết, ông và người đồng cấp Mỹ đã có "một cuộc điện đàm dài", trong đó "thảo luận về các nỗ lực ngoại giao gần đây nhằm giảm leo thang căng thẳng và đã đạt được sự đồng thuận về các hành động chung cho tương lai".
Ông Zelensky đã cảm ơn ông Biden về các động thái chuyển giao vũ khí của Mỹ cho Ukraina. Bên cạnh đó, “các khả năng hỗ trợ tài chính của Washington cho Kiev” cũng đã được 2 nhà lãnh đạo thảo luận.
“Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải xem xét kỹ lưỡng các sự kiện, và đánh giá xem điều gì đang là mối đe dọa đối với Ukraina, Nga và châu Âu, cũng như cốt lõi các các nghĩa vụ, nguyên tắc của trật tự quốc tế nếu Nga có động thái quân sự đối với Ukraina”, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết trong một tuyên bố, theo báo Guardian.
“Đây không phải là thời điểm để chờ đợi và theo dõi. Hiện tại, (vấn đề Ukraina) cần có được sự chú ý đầy đủ của hội đồng, và chúng tôi mong muốn một cuộc thảo luận trực tiếp và có chủ đích sẽ được tổ chức vào thứ Hai tới”, bà Thomas-Greenfield nói thêm.