(Baonghean.vn) - Cà phê đã từng là cây chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế trên đất Nghĩa Đàn trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, gần 10 năm trở lại đây loại cây này đã mất dần chỗ đứng, diện tích sụt giảm mạnh theo từng năm. Hiện tại, cây cà phê Phủ Quỳ dường như chỉ còn là loài cây “vang bóng một thời”…
Năm 2008 huyện Nghĩa Đàn vẫn còn 535 ha diện tích trồng cà phê. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 181 ha nằm rải rác trên các sườn đồi hoặc trồng xen cao su. Người dân tiến hành chặt bỏ cà phê tại xóm Phú Hòa (xã Nghĩa Phú). Diện tích tiếp tục bị phá bỏ trong thời gian tới. Được biết, giai đoạn từ 2001 - 2005, nhờ được đầu tư vốn vay AFD của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã có dự án trồng cà phê tại một số diện tích đồi của huyện Nghĩa Đàn nhưng sau đó dự án này thất bại hoàn toàn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là bởi sâu bệnh (đặc biệt là sâu đục thân) phát triển mạnh khiến cây cà phê lao dốc nhanh về năng suất và chất lượng. Nhiều diện tích thậm chí mất trắng. Trên địa hình đồi núi, cây cà phê thiếu nước tưới, nhất là vào thời điểm ra hoa, kết trái khiến không thể đậu quả, nếu có cũng chỉ lèo tèo, không mang lại hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình thâm canh chưa được chú trọng khiến cây phát triển không đúng chu kỳ sinh trưởng. Thời điểm này một số cây đã ra hoa – sớm hơn 1 tháng so với thông thường. Vì không mang lại hiệu quả kinh tế, nên nhiều hộ dân chặt bỏ cây cà phê. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Đức Toản, xóm Phú Hòa, xã Nghĩa Phú đã chặt bỏ hoàn toàn 1 ha cà phê. Số sản phẩm thu được từ vụ thu hoạch vừa qua của gia đình ông Toản được đóng gói sơ sài và cũng không hy vọng sẽ tiêu thụ được. Cà phê không có người mua nên mốc meo Người dân cho biết, trước đây cà phê được Công ty TNHH Một thành viên cà phê, cao su Nghệ An (đóng tại Thị xã Thái Hòa) thu mua nhưng vài năm trở lại đây công ty này không thu mua nữa. Do không tìm thấy đầu ra người dân buộc phải phá bỏ diện tích cà phê và tìm cây trồng khác thay thế. Trong ảnh là số cà phê của ông Nguyễn Đức Toản chất đống do không bán được. Hiện tại, đa phần diện tích phá bỏ được người dân chuyển đổi sang cây trồng có múi. Tại Nghĩa Phú – địa phương có nhiều diện tích trồng cà phê nhất Nghĩa Đàn đã chuyển đổi hơn 30 ha cà phê sang trồng cam, chanh và quýt. Diện tích cà phê giảm còn 47 ha.
Đ.Cường – T.Quỳnh