(Baonghean) - Những năm qua, bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, Chi bộ khối Tây Hồ (thị trấn Nam Đàn) luôn chăm lo đến đời sống nhân dân và xây dựng khối đoàn kết khu dân cư, trở thành chi bộ dẫn đầu ở Đảng bộ thị trấn Nam Đàn.
Vào khối Tây Hồ, Thị trấn Nam Đàn bằng con đường nối từ đường ven sông Lam - đoạn cuối cùng của đê 42, chúng tôi lạc vào một thế giới... đồ gỗ. Ghé thăm xưởng mộc của anh Phan Công Chung, được ông chia sẻ: “Trước đây, gia đình tui sống bằng nghề nông, kinh tế chật vật vô cùng. Đến năm 2009, chi bộ đảng chủ trương chuyển đổi ngành nghề, tui cũng vay mượn để mở xưởng mộc này, dần dần kinh tế cũng khá lên. Hiện tại xưởng thu hút 8 lao động làm việc, tiền công mỗi ngày trả cho lao động là 150 – 200 nghìn đồng/người, bình quân 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng”.
Ở khối Tây Hồ, thời điểm trước năm 2008, người dân sản xuất thuần nông với độc canh cây lúa. Bình quân mỗi khẩu chỉ có 1 sào ruộng nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Khối có 24 hộ nghèo. Trăn trở trước câu hỏi làm thế nào để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân? Sau nhiều trao đổi, bàn bạc trong cấp ủy Chi bộ khối Tây Hồ, trong đó phải kể đến vai trò người đứng đầu là Bí thư Chi bộ Phan Công Thiệu, đã đi đến thống nhất mở hướng đi mới bằng việc phát triển nghề mộc dân dụng, thu hút lao động nhàn rỗi vào làm việc.
Chi bộ cũng quán triệt rõ “Chi bộ và Ban cán sự khối phải cùng chung một tiếng nói để tuyên truyền, vận động, tạo niềm tin để người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương của xóm”, đồng thời giao cho từng tổ chức đều có trách nhiệm vào cuộc. Đơn cử như Chi hội Phụ nữ tổ chức huy động tiền tiết kiệm trong hội viên để hỗ trợ vốn cho các hộ mở xưởng mộc; Chi hội Cựu chiến binh động viên hội viên và con em vào làm trong các xưởng mộc, trở thành lực lượng lao động nòng cốt, trong đó có 4 cựu chiến binh làm chủ xưởng mộc.... Bằng cách làm này, sau 1 năm thực hiện, khối mở thêm 6 xưởng gỗ, nâng tổng số xưởng trong toàn khối lên 8 xưởng, bình quân mỗi xưởng 6 – 8 lao động, theo đó kinh tế của người dân dần đi vào ổn định.
Bí thư Chi bộ khối Tây Hồ Phan Công Thiệu chia sẻ: “Phải nói rằng, định hướng, chủ trương của chi ủy khối ban hành rất đúng và trúng thời điểm. Bởi lúc bấy giờ, trên địa bàn khối có 2 khu vực đất sản xuất được huyện thu hồi thực hiện dự án, cho nên có một số hộ trong khối được nhận một khoản tiền đền bù khá lớn, cộng với vai trò của chi hội phụ nữ huy động các nguồn tiết kiệm để hỗ trợ, từ đó, người dân mới có tiền để đầu tư, bình quân mỗi hộ mở xưởng gỗ đầu tư 80 – 120 triệu đồng”.
Khi đã có 8 xưởng mộc, Chi bộ Tây Hồ tiếp tục chỉ đạo xây dựng làng có nghề nhằm tranh thủ các cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện đưa nghề mộc dân dụng của khối phát triển vững chắc hơn. Và làng nghề mộc dân dụng khối Tây Hồ được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào cuối năm 2009. Năm 2010, khối tổ chức đón nhận chứng nhận làng nghề rất quy mô, thông qua đó đã thực sự cổ vũ, động viên nhân dân tiếp tục đầu tư mở rộng thêm những xưởng mộc mới nữa, để đến hôm nay hoạt động ổn định với tổng số 15 xưởng, thu hút trên 90 lao động, chiếm hơn 1/3 lao động trong toàn khối.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm mộc dân dụng ở Tây Hồ ngày càng mở rộng thị trường và được nhiều người ưa chuộng, góp phần nâng cao doanh thu cho các xưởng mộc và người lao động, trong đó có xưởng doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/năm. Song song với kinh tế làng nghề, Chi ủy khối Tây Hồ tiếp tục động viên nhân dân duy trì sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo ổn định lương thực, gắn với phục vụ chăn nuôi, nhất là phong trào nuôi bò nhốt, có những hộ nuôi 2 – 3 con, mỗi năm đẻ một lứa bê nuôi 6 tháng cho thu nhập khoảng 13 triệu đồng/con. Đồng thời vận động nhân dân phát triển các dịch vụ như cắt nhôm kính, sửa chữa xe máy...
Khi kinh tế phát triển, ngành nghề đa dạng, thanh niên trong khối có việc làm thường xuyên đã chấm dứt việc chơi bời lêu lổng trước đây. Việc thực hiện các nghĩa vụ thuế, quỹ cũng được người dân chấp hành nghiêm túc. Nếu như trước đây việc đóng các loại thuế, các loại quỹ chỉ khoảng 50%, thì trong mấy năm gần đây, chỉ cần sau 15 ngày thực hiện đảm bảo thu đạt 95 – 100%. Chuyện học hành của con em trong khối cũng được nhân dân quan tâm hơn, chất lượng học tập ngày càng tiến bộ, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được chăm lo. Hộ nghèo từ 24 hộ, nay giảm còn 6 hộ.
Hỏi về vai trò của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, Bí thư Chi bộ Tây Hồ, cho biết: Toàn chi bộ có 19 đảng viên. Đều là những đầu tàu, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động của khối. Điển hình như đồng chí Phan Công Thanh, từ một quần chúng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, được nhân dân tín nhiệm bầu làm khối trưởng. Sau khi được chi ủy bồi dưỡng kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí đã rất tích cực đi đầu trong mọi phong trào của khối, không chỉ bản thân gương mẫu mà gia đình vợ con cũng tích cực tham gia các hoạt động bề nổi của địa phương.
Ngoài việc phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên, Chi ủy Tây Hồ còn xây dựng được khối đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể, tập hợp được nhân dân, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chi ủy đặc biệt chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở khu dân cư như ban mặt trận, chi hội Phụ nữ, nông dân, Cựu chiến binh, người cao tuổi, Đoàn thanh niên, tạo sức mạnh tổng hợp vì nhiệm vụ chung của khối. Tình làng nghĩa xóm, tính cấu kết cộng đồng cùng có trách nhiệm được Chi bộ Tây Hồ vun đắp thông qua các hoạt động thăm hỏi, động viên nhân dân khi ốm đau, đồng thời chia sẻ và trực tiếp đứng ra tổ chức chu đáo việc tang gia, hiếu hỉ.
Từ sự đầu tàu, gương mẫu của đảng viên, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của chi ủy với phương châm “cả chi bộ cùng lo cho dân”, khối Tây Hồ từ một khối đứng cuối “bảng xếp hạng” trong tổng số 10 khối ở thị trấn đã vươn lên trở thành chi bộ dẫn đầu phong trào ở Đảng bộ Thị trấn Nam Đàn. Nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh, trong đó 3 năm liền đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu (2011 – 2013).
Minh Chi