(Baonghean) - Đất đai gắn liền với quá trình phát triển của loài người, gắn liền với mọi hoạt động của xã hội, nhất là nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong thời kỳ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất đai trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh yếu tố tích cực đó, thì từ đất đai cũng nẩy sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, mất cán bộ, đảng viên. Chế độ sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai là một trong những chế định kinh tế quan trọng, được các nhà làm luật và nhân dân quan tâm trong Hiến pháp.
 
Hiến pháp mới 2013 nhất quán với quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý trong giao, thu hồi và trưng dụng đất (Điều 53, 54). Quan điểm như vậy là hợp lý, bởi đất đai không chỉ là tài nguyên, là nguồn lực quan trọng để kiến thiết cơ sở hạ tầng liên quan tới kinh tế và đời sống và là tư liệu sản xuất không thể thiếu của nông dân, mà nó còn gắn với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Từ ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về nước Việt Nam độc lập là phải vì dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ.
 
Do đó, trong tài sản chung của quốc gia thì đất đai, đương nhiên phải thuộc sở hữu  toàn dân, do nhân dân làm chủ. Từ đó, Hiến pháp mới bổ sung nội dung quan trọng: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ” (Khoản 2, Điều 54). Rõ ràng, quyền sử dụng đất được đưa vào Hiến pháp như một dạng tài sản. Nghiên cứu các Hiến pháp trước đây, chúng ta thấy lần đầu tiên, quyền sử dụng đất, việc bảo hộ quyền sử dụng đất và việc chuyển quyền sử dụng đất được Hiến định rõ ràng. Khi đã là tài sản, người nắm quyền sử dụng đất có thể chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê, để lại thừa kế, góp vốn kinh doanh. Để đưa Hiến pháp vào cuộc sống, những quyền này sẽ được Nhà nước triển khai qua các văn bản dưới luật. 
 
Hiến pháp mới 2013 cũng bổ sung nội dung cụ thể về thu hồi đất. Vấn đề này luôn là lĩnh vực nhạy cảm, nhất là thời điểm “sốt” đất, “tấc đất, tấc vàng” thường nảy sinh nhiều khiếu kiện, nhất là khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Hiến định vấn đề này sẽ làm giảm sự tùy tiện trong việc thu hồi đất, gây bức xúc trong nhân dân. Hiến pháp mới quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật” (Khoản 3, Điều 54). 
 
Theo đó, những dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mới được Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Những dự án phát triển kinh tế - xã hội khác, chủ đầu tư phải thỏa thuận với chủ quyền sử dụng đất để nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại quyền sử dụng đất. Hiến pháp mới cũng bổ sung quy định về trưng dụng đất: “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai” (Khoản 4, Điều 54). Với quan điểm đó, trong những trường hợp thật cần thiết do luật định, Nhà nước có thể ra quyết định hành chính để sử dụng quyền sử dụng đất trong một thời hạn nhất định. Đất đai được Nhà nước thu hồi, trưng dụng lâu dài hoặc có thể có thời hạn nhất định. Với trường hợp có thời hạn khi thực hiện xong nhiệm vụ vì lợi ích quốc gia thì người có quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện quyền sử dụng của mình theo pháp luật. Điều này thực hiện công khai, minh bạch sẽ tạo đồng thuận cho người dân trong thực thi nghiêm túc pháp luật.
 
 
 
Phan Nguyễn